Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an |
Thảo luận tại tổ về dự án Luật CAND (sửa đổi) chiều nay, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, nhiệm vụ của lực lượng Công an so với 10 năm trước đây nặng nề hơn rất nhiều khi tội phạm phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới và quá trình điều tra, xử lý của lực lượng Công an cũng đòi hỏi nhiều quy định hơn…
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên lĩnh vực bảo vệ trật tự an toàn xã hội cũng có nhiều cái khác. Chúng ta hay nói chủ yếu là đấu tranh chống tội phạm, nhưng thực ra có nhiều việc khác cần phải làm, như hướng dẫn chấp hành pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật. Ví dụ luật giao thông tình trạng vi phạm rất rõ, ngược chiều vẫn di không ai phản ứng gì, vượt đèn đỏ, đua xe còn được cổ vũ…
Người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh, việc quan tâm đến số lượng vụ án, khám phá nhanh các vụ án cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải giảm được số lượng vụ án, không để xảy ra vụ án. “Mục tiêu ấy rất khó khăn, nhưng quan điểm của chúng tôi là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương để đảm bảo cho người dân được thụ hưởng một xã hội an toàn”, Bộ trưởng nêu rõ.
Từ tình hình đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng việc sửa đổi Luật CAND không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tổ chức lại bộ máy của lực lượng Công an và sửa đổi chế độ chính sách để lực lượng Công an các cấp có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó.
“Vừa qua Nghị quyết Trung ương nêu rõ, là sự chuyển biến quan trọng trong bộ máy tổ chức của lực lượng Công an. Khẩu hiệu của chúng tôi là “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, bám cơ sở tức là bám vào dân” – Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.
Bộ trưởng Công an đánh giá, chuyển biến lớn nhất là bố trí Công an cấp xã chính quy. “Có những xã biên giới hàng trăm km vuông, dân đông đúc; rồi xã giáp ranh, xã biên giới còn phức tạp hơn phường rất nhiều. Chúng tôi nghe những tiếng kêu thấu lòng từ người dân, có những việc họ không được giải quyết một cách căn cơ. Bố trí Công an chính quy xuống xã là để giải quyết những vấn đề đó”.
Bộ trưởng Tô Lâm phân tích, dự thảo Luật quy định lực lượng ở Bộ chỉ 15% biên chế, còn 85% là ở địa phương. Nhiệm vụ của Bộ hướng dẫn, kiểm tra là chính, giảm làm trực tiếp. Hiện đang xảy ra tình trạng Bộ điều tra rồi TAND cấp tỉnh xử lý, rất bất cập trong cải cách tư pháp, đòi hỏi cần đồng bộ hơn.
Đối với quy định cấp bậc hàm cấp tướng, Bộ trưởng khẳng định dự thảo Luật cũng không làm thay đổi cơ cấu: “Trước đây các vị đại biểu Quốc hội cứ nói sao mà tướng nhiều thế, tuy nhiên Bộ Chính trị đã quy định rõ tổng số cán bộ có quân hàm cấp tướng trong CAND là 205, hiện nay vẫn vậy và không vượt quá”.
“Mà phải đủ tiêu chuẩn. Ví dụ đối với Bộ trưởng phải lên Thượng tướng 4 năm rồi mới được Đại tướng. 6 Thứ trưởng là 6 Thượng tướng, chúng rôi ghi rõ trong luật rồi. Nhưng không phải cứ Thứ trưởng là lên Thượng tướng, hiện nay có đồng chí Thứ trưởng là Trung tướng vì chưa đủ tiêu chuẩn” – ông Lâm giải thích thêm.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, những Cục đặc biệt mà gộp 5-6 Cục thì Cục trưởng phải được Trung tướng. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Công an có 60 Cục, nếu bố trí tất cả Cục trưởng và Giám đốc Công an địa phương 63 tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cấp tướng thì tổng số mới hơn 120, cộng với số tướng còn lại vẫn chưa đủ 200. Còn nếu đề nghị Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I mang cấp bậc hàm cấp tướng thì cũng chỉ hơn chục người.
Bộ trưởng nêu một bất cập nữa là nếu Giám đốc Công an tỉnh chỉ Đại tá mà được quy hoạch Thứ trưởng thì không thể lên Thượng tướng, vì phải mất mười mấy năm.
“Nếu như chúng tôi đề xuất thì sẽ thuận lợi, còn nếu không rất bất cập, rất khó trong luân chuyển cán bộ. Số Giám đốc địa phương rất vất vả, chúng tôi muốn cơ cấu nhiệm vụ anh em tăng, “tỉnh mạnh” thì chính sách cũng phải phù hợp” – Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận