Số tiền được coi là tang vật khi nhà báo Duy Phong bị bắt ngày 22/6 |
Liên quan đến vụ việc nhà báo Duy Phong – Trưởng ban bạn đọc báo điện tử GDVN bị bắt, sáng qua (28/6), tại cuộc họp báo của Bộ Công an, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thông tin trước khi bị bắt, ngày 16/6/2017, PV Duy Phong đã lên Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái. Tại đây, PV Duy Phong nêu một số vi phạm liên quan đến kế hoạch đầu tư của Yên Bái, cung cấp thông tin yêu cầu phối hợp giải quyết, yêu cầu ông Sáng chuyển cho PV Phong 200 triệu, nhưng do ông Sáng không đủ tiền nên chuyển cho nhà báo Duy Phong 100 triệu trước, chiều cùng ngày chuyển tiếp 100 triệu nữa.
Sau đó, đến ngày 22/6, nhà báo Duy Phong tiếp tục lên Yên Bái thì bị phát hiện bắt giữ. PV Duy Phong cũng đã khai nhận hành vi nhận 200 triệu từ ông Sáng.
Trong sự việc này, trước hết cần đặt vấn đề ở cả 2 phía, người nhận tiền (PV Duy Phong) và người đưa tiền (GĐ Sở KH-ĐT Yên Bái Vũ Xuân Sáng).
Thứ nhất, nhà báo Duy Phong có được coi là người có chức vụ quyền hạn?
Theo Điều 277 BLHS 1999, các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ.
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ .
Theo khái niệm này thì người được coi là có chức vụ quyền hạn là rất rộng, như nhà báo được Tòa soạn phân công giao nhiệm vụ điều tra phòng chống tham nhũng và những vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, các nhân, dân phòng truy bắt tội phạm… cũng đều được coi là người có chức vụ, bởi vì họ được giao thực hiện công vụ vì lợi ích chung của xã hội và có những quyền năng nhất định trong khi thi hành công vụ.
Đối với nhà báo Duy Phong, trong quá trình tác nghiệp đã có hành vi lợi dụng công việc được giao, khi làm việc với Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái đã yêu cầu ông Sáng chuyển cho PV Phong 200 triệu. Thực tế là ông Sáng đã chuyển cho PV Phong và PV Phong đã nhận 200 triệu. Hành vi của PV Phong đã có dấu hiệu phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 280 BLHS 1999.
Thứ hai, việc Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái đưa 200 triệu cho PV Duy Phong có cấu thành tội đưa hối lộ?
Đưa hối lộ được quy định tại điều 289 BLHS 1999 là hành vi dùng tiền, tài sản và các lợi ích vật chất khác trực tiếp hoặc qua trung gian để đưa cho người có chức vụ, quyền hạn, để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Do PV Duy Phong trong trường hợp này được coi là người có chức vụ quyền hạn đang thi hành công vụ vì lợi ích chung của xã hội nên việc ông Sáng đưa 200 triệu cho PV Duy Phong để không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc phản ánh sai phạm liên quan đến kế hoạch đầu tư của Yên Bái đã có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 289 BLHS 1999.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, nếu CQĐT xác định Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Trường hợp Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Điều 289. Tội đưa hối lộ 1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ. 6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận