Thị trường

GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, quý III tăng 13,67%

29/09/2022, 10:40

Đó là những con số nổi bật được báo cáo tại cuộc công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 diễn ra sáng nay.

GDP 9 tháng và quý III đều tăng cao

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III, giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.

“Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả”, bà Hương cho biết.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); Công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018; Khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%).

img

GDP 9 tháng và quý III đều tăng cao, trong khi, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát là điểm nổi bật kinh tế 9 tháng đầu năm 2022.Ảnh: VGP/Băng Tâm

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Bà Hương đánh giá, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài; Lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; Xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; Thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục... Tăng trưởng kinh tế thế giới cũng được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó…

Tuy nhiên, chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.

CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; Lạm phát cơ bản tăng 1,88%

Theo bà Hương, với chỉ số trên, chúng ta có thể yên tâm kiểm soát lạm phát năm khoảng 4% như Quốc hội đặt ra.

Song, bà Hương cũng cho biết, vẫn còn một số yếu tố có thể làm tăng CPI những tháng cuối năm và áp lực cho năm 2023.

Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liêu hiện nay vẫn đang ở mức cao, mà Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất.

“Nhập giá cao sẽ tác động chi phí, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, tạo áp lực lên lạm phát của nền kinh tế”, bà Hương nói.

Mặt khác, giá USD Mỹ cũng đang tăng và càng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá.

Thực tế, chỉ số giá nhập khẩu tăng rất cao kể từ năm 2012 đến nay. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên 90% là tư liệu sản xuất.

“Điều này cho thấy doanh nghiệp đang chịu sức ép về giá rất lớn trong chi phí sản xuất”, theo bà Hương.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, giá xăng dầu sắp tới vẫn diễn biến phức tạp. Giá thế giới đang giảm nhưng rủi ro giá tăng hiện hữu vì cuộc chiến Ukraine chưa biết bao giờ chấm dứt.

Trong khi, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng vào cuối năm; Hay thiên tai, dịch bệnh ở các dịa phương cũng làm giá cả tăng lên…

Kinh tế trong nước lại đang phục hồi rõ nét, kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng cho thấy phục hồi mạnh mẽ và còn tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm làm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh.

"Những điều trên sẽ là là áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023. Do đó, đòi hỏi tiếp tục phải có những biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ", bà Hương cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.