Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề
Chiều 3/4, tại cuộc họp báo Chính phủ, trước câu hỏi của báo chí về tình hình GDP quý I thấp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, tuy chỉ số GDP quý I thấp hơn so với dự báo nhưng vẫn ở mức khá so với bình quân chung trên thế giới.
Theo ông Phương, GDP quý I ở mức thấp là phản ánh thực tiễn và đúng theo những đánh giá đã đưa ra ngay từ khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023. Ngay lúc đó, đã nhận định khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh quốc tế khó khăn, lạm phát hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu thị trường toàn cầu giảm sút, tác động cuộc chiến Nga - Ukraine… tất cả đều có tác động vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ
Khi chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh:
Dù còn nhiều khó khăn trong và ngoài nước nhưng chưa cần thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát.
Để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp, khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đã đề ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong các giải pháp về vĩ mô, có 2 giải pháp cần chú tâm là chính sách tiền tệ và tài khoá.
Với tác động của tiền tệ thế giới, chúng ta đang gặp phải rất nhiều thách thức trong quá trình điều hành, đòi hỏi độ nhạy bén cao để vừa chống chọi với khó khăn vừa cung cấp đủ nguồn lực kinh tế.
Bên cạnh đó, phải rà soát ngay tất cả các động lực tăng trưởng, lấy khu vực tăng trưởng thuận lợi để bù đắp khu vực khó khăn. Như vậy, cần lấy nông nghiệp là trụ đỡ và tập trung vào dịch vụ (vì đang tăng trưởng tốt) để đỡ bớt cho khu vực chế biến, chế tạo, sản xuất (đang tăng trưởng thấp).
Mặt khác, cần quan tâm, áp dụng mọi biện pháp để kích thích thị trường trong nước vì khi xuất khẩu khó khăn thì vai trò của thị trường trong nước rất cần thiết.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu 1 giải pháp mới trong việc tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đó là tháo gỡ từ cấp cơ sở.
"Ở trên Trung ương, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, thành lập tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt thì ở dưới địa phương cũng phải thành lập các tổ như vậy, tập trung thẳng vào các dự án vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở địa phương để họ ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới phần nào vượt qua được khó khăn ban đầu ở quý I, đạt được mục tiêu trong các tháng, các quý hiện tại", theo ông Phương.
"Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chia sẻ.
Thông tin thêm về giải pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải thành lập tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn cho các dự án đầu tư của các doanh nghiệp. Tổ công tác này phải do chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực tiếp làm tổ trưởng.
Nhiều ý kiến đối nghịch về sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tiến trình xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Ông Hải cho biết, Bộ được giao xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải
Ông nhấn mạnh: Dù nghị định được xây dựng theo thủ tục rút gọn không cần phải xin ý kiến nhưng Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập để thực hiện xây dựng dự thảo, và xin ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp… Do đó, ngay từ bản dự thảo đầu tiên đã nhận được rất nhiều ý kiến.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, nghị định này trực tiếp điều chỉnh rất nhiều đối tượng khác nhau, có quyền lợi khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau nên việc có nhiều ý kiến là điều dễ hiểu.
Vì vậy, Bộ đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến góp ý vào việc xây dựng dự thảo nghị định, qua đó Ban soạn thảo, tổ biên tập tiếp thu các ý kiến phù hợp với thực tế, đáp ứng cao nhất yêu cầu đặt ra.
Tuy vậy, ông Hải cho rằng tình hình liên tục thay đổi nên bất kể văn bản pháp luật hay nghị định nào cũng chỉ có thể có phương án tốt nhất trong một thời điểm, có thể tốt hiện nay nhưng sang năm lại khác.
Về mức chiết khấu tối thiểu, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, ý kiến của các đối tượng kinh doanh xăng dầu sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Ban soạn thảo sẽ tiếp thu cao nhất các ý kiến của các đối tượng tác động, nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch và hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận