Kinh tế

GDP tăng thêm 1,1-3,5% nhờ CPTPP, doanh nghiệp logistics cần chuẩn bị gì?

26/11/2019, 14:16

Theo các chuyên gia, CPTPP giúp GDP Việt Nam tăng 1,1-3,5%, nhờ đó nghành Phân Phối - TMĐT - Logistics cũng có cơ hội phát triển mạnh.

img
Theo các chuyên gia, CPTPP giúp GDP Việt Nam tăng 1,1-3,5%, nhờ đó nghành Phân Phối - TMĐT - Logistics cũng có cơ hội phát triển mạnh.

"Ăn theo" mức tăng GDP 1,1-3,5%

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, Phân phối – thương mại điện tử (TMĐT) - Logistics là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam. Vì vậy, CPTPP được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai thị trường phân phối, TMĐT, logistics Việt Nam.

Tại hội thảo về tác động của CPTTP đến lĩnh vực này vừa tổ chức, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: Ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung.

Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Theo Ngân hàng Thế giới, CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,1-3,5%. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.

Bên cạnh đó, CPTPP còn là cơ hội gia tăng hoạt động TMĐT, đặc biệt là TMĐT qua biên giới. Bởi các cam kết tại đây sẽ tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, làm tiền đề thúc đẩy TMĐT.

Tuy nhiên, với ngành phân phối, thương mại điện tử, đại diện VCCI cho rằng, thách thức trong CPTPP là ở sức ép cạnh tranh từ các đối thủ mạnh. Vì thế, các doanh nghiệp ngành này cần tìm cách nâng cao sức cạnh tranh, cải thiện nguồn hàng, kiểm soát chất lượng hàng hóa, cũng như cơ quan quản lý phải có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển các kênh phân phối, tạo đầu mối liên kết giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – khách hàng…

Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Là một trong s những người trực tiếp tham gia đàm phán CPTPP, ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương lưu ý với các doanh nghiệp khi tham gia CPTPP cần lưu ý 2 điểm quan trọng nhất.

Thứ nhất là nguyên tắc chọn – bỏ, có nghĩa nếu không có bảo lưu gì thì Việt Nam phải mở cửa cho nhà đầu tư, cung cấp dịch vụ từ các nước CPTPP khác phù hợp với các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa cơ bản; Nếu có bảo lưu, thì ở khía cạnh có bảo lưu, Việt Nam được quyền không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ/nguyên tắc mở cửa liên quan, mà chỉ mở cửa ở mức như bảo lưu.

Điều thứ 2 liên quan đến cơ chế ratchet, sẽ giúp đảm bảo môi trường chính sách cho chúng ta. Cụ thể, trước đây trong lĩnh vực Hàng không, chúng ta cho nước ngoài sở hữu trên 30% cổ phần, sau đó giảm xuống 30%, tiếp sau lại tăng lên 34%, nguyên nhân vì chúng ta không cam kết về chính sách. Nhưng nếu theo cơ chế ratchet thì khi đã cam kết có nghĩa là chúng ta không được phép thay đổi, mức giá đó phải là mức ưu đã và giữ nguyên trước mọi biến động (chúng ta có 2 năm để điều chỉnh chính sách, đến năm 2021 mới phải tuân thủ hoàn toàn nguyên tắc).

"Điểm nổi bật trong CPTPP đó là những cam kết về hàng rào phi thuế quan phải giam, và cam kết về tạo điều kiện thương mại, chính những điều kiện quan trọng đó nó góp phần làm giảm chi phí logistics và nhìn một góc xa hơn thì sẽ giúp làm giảm chi phí sản xuất có lợi cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.