Binh sỹ Israel bỏ phiếu sớm |
Cuộc bầu cử này diễn ra rất căng thẳng, giới phân tích chính trị nhận định không khó dự đoán ai sẽ làm Thủ tướng tiếp theo của Nhà nước Do Thái.
Vẫn "lá bài" nhà nước Palestine
Hơn 10 nghìn điểm bỏ phiếu mở cửa vào 7h sáng 17/3 (12h giờ Việt Nam), đóng cửa lúc 22h cùng ngày. Có 26 đảng tham gia tranh cử, song các nhà quan sát dự đoán chỉ có 11 đảng kiếm được số phiếu tối thiểu (3,25%) để có ghế trong Quốc hội.
Đây là cuộc bầu cử thứ hai trong ba năm qua ở Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Đảng Likud cánh hữu cầm quyền và ông Isaac Herzog, thủ lĩnh Đảng Lao động, được coi là những ứng viên tiềm năng nhất.
Trước bầu cử một ngày, nhằm giành thêm phiếu từ các cử tri cực hữu ở Israel vốn ủng hộ Đảng Ngôi nhà Do Thái theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, ông Netanyahu hứa: Không để người Palestine lập thủ đô ở khu vực phía Đông của Jerusalem và sẽ xây hàng nghìn ngôi nhà cho những người định cư Do Thái. Ông Netanyahu tuyên bố nếu vẫn là Thủ tướng thì “sẽ không có Nhà nước Palestine”.
Còn ông Herzog tự tin tuyên bố, nếu là Thủ tướng sẽ ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ với đồng minh chiến lược Mỹ, nối lại tiến trình hòa bình với người Palestine.
Mất lòng Mỹ
Trước thềm bầu cử, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Tổng thống Barack Obama ủng hộ giải pháp hai Nhà nước đối với Israel và Palestine trong tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị bế tắc. Trong khi đó, tờ Haaretz dẫn lời Thủ tướng Netanyahu cho biết, ông phản đối viễn cảnh hai Nhà nước: “Bất cứ ai muốn thành lập Nhà nước Palestine và thay đổi lãnh thổ đều sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của các tổ chức Hồi giáo cực đoan nhằm vào Israel”.
Lập trường cứng rắn này đã dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối, đồng thời, cũng khiến Mỹ không hài lòng vì nước này đang là trung gian hòa giải cho những tranh chấp giữa Israel và Palestine, theo Haaretz. Hãng tin Russia Today cho biết, Thượng viện Mỹ đang điều tra thông tin việc Nhà Trắng tài trợ cho tổ chức phi chính phủ OneVoice Movement để làm giảm uy tín của ông Netanyahu. Còn kênh Fox News dẫn một nguồn tin cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ chi 350 nghìn USD cho OneVoice Movement, để chuyển cho đối tác ở Israel Victory 15 (V15) vận động phản đối ông Netanyahu.
Trước đó, sau bài diễn văn về chương trình hạt nhân Iran gây căng thẳng trước Quốc hội Mỹ, những cuộc thăm dò và các tổ chức quan sát độc lập đều đưa ra nhận định khả năng ông Netanyahu sẽ không có nhiều cơ hội tái nhiệm chức Thủ tướng sau cuộc bầu cử; bởi lập trường cứng rắn, không chú trọng nhiều đến kinh tế và những vấn đề khác của đất nước.
Do vậy, luật sư Isaac Herzog, 54 tuổi, được tin rằng sẽ là Thủ tướng kế tiếp nhờ vào kế hoạch chấn hưng kinh tế trong quá trình tranh cử.
Cựu Đại sứ Mỹ Martin Indyk tại Jerusalem nhận định: “Trước đó không lâu, ai cũng tin ông Netanyahu sẽ tái đắc cử, nhưng mọi chuyện thay đổi quá nhanh”. Còn ông Neri Zilber của Viện Nghiên cứu chính sách Cận Đông (The Near East Policy) nói rằng, người dân Israel không thể quên nguy cơ Iran và Palestine, nhưng khó khăn kinh tế và đời sống như: Mức sinh hoạt gia tăng, giá nhà tăng vọt đã tạo cơ hội cho ông Herzog. Chính sách của Chính phủ Netanyahu khiến giá nhà đất tăng tới 55% trong 5 năm và nhiều khu nhà phải mất hơn 10 năm mới xây xong vì các thủ tục hành chính.
Theo luật bầu cử Israel, ngay sau khi hoàn tất kiểm phiếu, các cuộc đàm phán chính trị sẽ diễn ra giữa các đảng phái để thành lập một liên minh chiếm đa số.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận