Không ngờ ho, sốt kéo dài là dấu hiệu của ung thư máu
Giữa năm 2015, chị Nguyễn Thu Hà (khi đó chị 42 tuổi, ở Hải Dương) bị viêm họng, sốt, ho dai dẳng, uống kháng sinh nhiều đợt vẫn không khỏi. Đi khám, chị bất ngờ khi nhận tin mình mắc bệnh ung thư máu cấp tính.
Khi ấy, hai con gái sinh đôi của chị vừa tròn 14 tuổi, lứa tuổi mới lớn luôn cần mẹ ở bên. Còn con trai út mới lên 8 tuổi. Người phụ nữ lo sợ 3 con sẽ bơ vơ nếu chuyện xấu xảy ra.
Nhờ ông bà chăm sóc 3 con, chị Hà nhập viện điều trị. Chỉ nghĩ sẽ xa các con chừng một tháng để điều trị hóa chất đợt đầu tiên, nhưng suốt 7 tháng sau đó, chị phải nằm viện do gặp biến chứng viêm phổi trong quá trình truyền hóa chất dẫn đến bội nhiễm.
Chị Hà vẫn nhớ như in thời điểm mình đang nằm viện truyền hóa chất điều trị, đúng thêm năm học mới, chị nhận cuộc gọi từ cậu con trai út nhắn nhủ "mẹ ráng về trước khi con đi học nhé". Nước mắt chị lại nhạt nhòa vì nhớ con.
Trong hành trình dài ngày phải truyền thuốc từ sáng đến đêm, cơ thể gần như không còn sức sống. Trong những cơn sốt mê man, trong đầu chị luôn quẩn quanh với suy nghĩ "chẳng biết có ngày được về để gặp các con không?"
Càng nghĩ tới con, chị Hà càng quyết tâm không cho phép mình yếu đuối, tự động viên mình cố gắng từng ngày. Nhờ sự chăm sóc của các y bác sĩ, nhờ có gia đình luôn đồng hành sát cánh, yêu thương, chị đã mạnh mẽ vượt qua giai đoạn "thập tử nhất sinh".
Hồi sinh nhờ ghép tế bào gốc
Chị Hà được chỉ định có cơ hội ghép tế bào tạo máu điều trị bệnh. Trải qua chặng thử thách đầu tiên ghép tế bào gốc thành công, chị Hà lại bước tiếp vào thử thách với chuỗi ngày ở trong phòng ghép tế bào gốc.
"Tháng đầu trong phòng ghép mọi việc có vẻ suôn sẻ, nhưng đến tháng thứ 2, tôi gặp biến chứng virus CMV (Cytomegalovirus) tái hoạt động đáp ứng với thuốc chậm nên phải điều trị kéo dài thêm vài tuần. Do tác dụng phụ của thuốc tôi không ăn uống được và cần hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch. Sau đó, BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) tham khảo ý kiến các chuyên gia và thay đổi thuốc điều trị. May mắn tôi hợp thuốc và sức khỏe hồi phục dần dần", chị Hà nhớ lại
Khi được bác sĩ thông báo "mảnh ghép mọc tốt" và được ra khỏi phòng ghép, với chị Hà niềm hạnh phúc như vỡ òa. Trở về với gia đình, chị vẫn đều đặn tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và giữ gìn trong ăn uống, sinh hoạt để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
"Trong lúc yếu đuối, suy kiệt nhất, tôi luôn đặt trọn niềm tin vào các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học – Truyền máu TW. Đến một ngày, bác sĩ Nguyễn Vũ Bảo Anh (hiện là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu) thông báo: bệnh của tôi lui hoàn toàn. Chính phép màu "ghép tế bào gốc" đã giúp tôi đã vượt qua những thời khắc khó khăn, gian nguy nhất", chị Hà nhớ lại.
"Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là đã chiến thắng được bệnh ung thư. Gần 8 năm trước, tôi tưởng rằng cuộc đời mình sẽ chấm dứt. Nhưng giờ đây, tôi vẫn được hòa nhập với mọi người, có thể lao động, có thu nhập như những người bình thường khác. Tôi vẫn được cùng các con đón sinh nhật tuổi 20, nhìn thấy con tốt nghiệp Đại học. Tôi không còn mặc cảm mình là người bệnh ung thư nữa", chị Hà chia sẻ.
BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, cho biết quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua một khoảng thời gian dài (1-3 tháng) trong phòng cách ly, phải vượt qua quá trình điều trị hóa chất liều cao, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo điều kiện tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định.
Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét… Chính vì vậy, đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến sinh tử.
Tính đến tháng 9/2023, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đã thực hiện được khoảng 600 ca ghép tế bào gốc tạo máu với nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (ghép haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận