Chất lượng sống

Ghi số chứng minh thư vào đơn thuốc có cần thiết?

19/03/2018, 07:25

Quy định “ghi số chứng minh thư của cha, mẹ vào đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi”...

6

Mua thuốc chữa bệnh cho trẻ

Quy định “ghi số chứng minh thư của cha, mẹ vào đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 72 tháng tuổi” có hiệu lực thực hiện từ tháng 3/2018. Tuy nhiên, quy định này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ đội ngũ bác sĩ làm công tác khám, chữa bệnh, cũng như cha mẹ bệnh nhi. PV Báo Giao thông ghi nhận ý kiến về vấn đề này.

7

 

BS. Trần Văn Phúc, BV SaintPaul, Hà Nội:

Dù phiền hà nhưng cần thiết

Tôi không rõ lý do Bộ Y tế đưa ra để giải thích tại sao lại chỉ có trẻ dưới 72 tháng tuổi, mà không áp dụng cho những đối tượng còn lại? Nhưng ở Mỹ, quản lý thuốc được phân loại với 3 đối tượng: Trẻ em giai đoạn đầu, lứa tuổi học đường và người trưởng thành. Khi trẻ đăng kí học ở một trường phổ thông, nhà trường sẽ yêu cầu kê khai số ID của cả bố lẫn mẹ, kèm theo một số ID khác của người có thể bảo trợ cho học sinh đó khi đi khám chữa bệnh. Số CMT cũng giống như số ID bệnh nhân ở các nước phát triển, họ đã áp dụng trước chúng ta đến gần 30 năm qua. Mỹ là nước đầu tiên sử dụng số ID bắt buộc bác sĩ phải ghi trên mỗi đơn thuốc, dược sĩ bán thuốc phải có nhiệm vụ kiểm soát số ID hết sức chặt chẽ.

Ở ta, việc cho con đi khám rồi bỏ thuốc hoặc mua một ít về dùng là thường xuyên. Đó là chưa kể đến trường hợp lần sau ốm với những triệu chứng giống như vậy, bố mẹ sẵn sàng cầm đơn thuốc cũ ra mua lại về dùng. Hoặc như thị trường thuốc tân dược luôn có sẵn ở khắp nơi, dễ hơn cả mua mớ rau, vì người bán có lợi nhuận cao và người mua không cần đơn của bác sĩ.

Do vậy, ngành Y tế nếu muốn thay đổi bằng cách lấy người bệnh làm trung tâm, thì các phương pháp điều trị và các liệu pháp không dùng thuốc để đạt được hiệu quả tốt, đòi hỏi phải có sự kê đơn và hướng dẫn của những bác sĩ được đào tạo bài bản. Để có được sự thay đổi ấy, công tác quản lý dược cần thiết phải chấn chỉnh và phải được thể chế hóa bằng những quy định pháp lý cụ thể, như lắp camera theo dõi tại các hiệu thuốc, hay ghi số CMT vào đơn thuốc.

8

 

BS. Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng I Tp Hồ Chí Minh:

Không có ý nghĩa gì!

Hiện ở tất cả các bệnh viện, theo quy định vẫn thực hiện, nhưng vấn đề ở chỗ số CMT của cha, mẹ bệnh nhân ghi vào toa thuốc không biết để làm gì. Theo tôi, việc thực hiện quy định gây phiền hà cho cả người khám chữa bệnh và gia đình bệnh nhân. Bởi, tính pháp lý của toa thuốc khi có vấn đề thì người ký tên phải chịu trách nhiệm. Nếu có ghi CMT vào, giả sử toa thuốc đó có sai thì ông bố hay bà mẹ đó cũng không chịu trách nhiệm gì. Hơn nữa, dù họ không mang CMT khi đưa con đến khám, chữa bệnh chúng tôi vẫn phải phục vụ không lẽ kêu họ về lấy CMT mới khám.

Việc Bộ Y tế giải thích, ghi thêm CMT vào đơn thuốc nhằm quản lý đơn thuốc, tránh lạm dụng kháng sinh gây kháng kháng sinh là chưa chuẩn xác. Bởi, tình hình kháng kháng sinh do 2 nguyên nhân, thứ nhất do bác sĩ cho thuốc kháng sinh tràn lan; thứ hai do người bán không theo toa. Vì vậy, việc có CMT của cha hay mẹ cũng không liên quan gì đến quản lý kháng kháng sinh ở đây cả.

9

 

Ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế):

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, sẽ có những chỉnh sửa phù hợp

Với quy định trên cần hiểu rõ là: Ngay khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải đem theo Chứng minh thư (CMT) nhân dân để khi kê đơn các BS điền đầy đủ các thông tin trên. Khi có đơn thuốc (với đầy đủ thông tin về số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/TX/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố và số CMT nhân dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ dưới 72 tháng tuổi) thì bất kể ai là người nhà hoặc người thân của trẻ có thể đi mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc. Ghi thêm CMT với đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi cũng mất thêm một chút thời gian khám, chữa bệnh của người thầy thuốc nhưng cần làm để quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là mua bán và lạm dụng kháng sinh đang diễn ra phổ biến hiện nay. Cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp phát sinh nhưng đa số trẻ dưới 6 tuổi đều được bố, mẹ và người thân đưa đi khám nên việc ghi số CMT không có gì là quá khó khăn.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều thông tin trái chiều về việc thực hiện quy định ghi số CMT vào đơn thuốc. Trên cơ sở cầu thị, chúng tôi tiếp thu các ý kiến đóng góp và hiện đã có những chỉnh sửa cần thiết, phù hợp để trình lãnh đạo Bộ quyết định. Dự kiến, trong tuần này sẽ công bố quyết định chính thức về việc thực hiện quy định này.

10

 

Chị Tô Thị Liên (trú tại Đình Dù, Văn Lâm, Hưng Yên):

Cha mẹ thiếu CMT, lẽ nào con tôi không được khám?

Theo tôi, quy định này là không cần thiết. Gia đình tôi kinh doanh, thường xuyên sử dụng CMT cho nhiều việc khác ví dụ như cần phải nộp vào ngân hàng hay bảo lãnh hàng giữ lại… Nếu con tôi không may ốm cần đi khám bệnh gấp mà đòi hỏi phải có CMT thì thật không ổn. Chúng tôi nhà xa lên BV tuyến trên để khám, nếu quên CMT phải đi về lấy mới được khám được kê đơn thuốc thì việc đi lại rất tốn kém, bất tiện vô cùng.

Theo Thông tư 52/2017/ TT-BYT ký ngày 29/12/2017, Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại Điều 6 về yêu cầu chung với nội dung kê đơn thuốc có quy định:

1. Ghi đủ, rõ ràng và chính xác các mục in trong đơn thuốc hoặc trong sổ khám bệnh của người bệnh.

2. Ghi địa chỉ nơi người bệnh thường trú hoặc tạm trú: Số nhà, đường phố, tổ dân phố hoặc thôn/ấp/bản, xã/phường/thị trấn, quận/huyện/TX/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố.

3. Đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

Nội dung “với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ” được coi là một nội dung mới. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung này được đánh giá “không sát thực tế, thiếu tính khả thi và gây phiền hà cho người bệnh”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.