SEA Games 32

Gia cảnh nghèo khó của kình ngư Phạm Thanh Bảo

12/05/2023, 07:00

Liên tiếp giành 2 huy chương Vàng bơi ếch và phá kỷ lục SEA Games, kình ngư Phạm Thanh Bảo trở thành “hoàng tử” của đường đua xanh Đông Nam Á.

Không được chứng kiến những khoảnh khắc bùng nổ của con trai ở Campuchia, bố mẹ Phạm Thanh Bảo vẫn đầu tắt mặt tối mưu sinh ở quê nhà.

Bố mẹ từng ngăn cấm

Chúng tôi về Bến Tre trong một ngày hè, nắng tháng 5 ở xứ này như muốn thiêu đốt mọi thứ. Đến gần 12h trưa, chúng tôi mới gặp được ông Phạm Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, những người đã sinh ra kình ngư Phạm Thanh Bảo.

img

Ông Hải, bà Thủy khoe những chiếc huy chương của Phạm Thanh Bảo

Cha mẹ của vận động viên vừa mang về cho Việt Nam 2 HCV SEA Games ngày ngày vẫn đang đầu tắt mặt tối đi làm thuê.

Và cuộc trò chuyện với họ cũng chỉ diễn ra vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ, trong căn nhà cấp 4 nhỏ, ọp ẹp nằm sâu giữa con hẻm thuộc khu phố 3, phường 5, TP Bến Tre.

Tính tới chiều 11/5, kình ngư Phạm Thanh Bảo đã giành 2 HCV ở nội dung 100m ếch và 200m ếch. Đáng nói, thành tích của anh ở cả 2 nội dung này đều phá kỷ lục SEA Games.

Ông Hải cho biết, Bảo lúc nhỏ tuy không cao lớn nhưng rất mê thể thao, môn nào cũng tham gia, từ chạy nhảy, bóng đá, bơi lội… Cứ mỗi lần có dịp về quê ngoại ở xã Thạnh Thới A, huyện Mỏ Cày (Bến Tre) là Thanh Bảo lao xuống kênh rạch gần nhà để bơi.

“Đến lớp 5, khi phát hiện Bảo có tố chất, sải tay dài và thể lực tốt, các thầy ở Trung tâm Huấn luyện TDTT Bến Tre bắt đầu yêu cầu tập luyện nhiều hơn và hướng Bảo đi theo năng khiếu”, ông Hải cho biết.

Cuối năm 2012, ban huấn luyện bộ môn bơi giới thiệu và đăng ký dự tuyển cho Thanh Bảo tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ. Bảo không mấy khó khăn để trúng tuyển. Nhưng nếu tập luyện tại đây, Bảo phải xa gia đình khi chưa tới tuổi 13.

Bà Thủy chia sẻ: “Chúng tôi lúc đầu cũng không thuận. Tôi thì muốn con nó đi học thành nghề này, nghiệp nọ, không muốn theo đuổi thể thao. Nhưng Bảo quá quyết tâm, các thầy cũng nhiều lần động viên nên gia đình cuối cùng đã đồng ý”.

img

Phạm Thanh Bảo thời điểm mới tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ

Ở nơi lạ nước lạ cái, mỗi buổi tập, Thanh Bảo phải thực hành giáo án do huấn luyện viên yêu cầu, bơi trung bình khoảng 9km. Ngoài giờ tập luyện, Bảo tham gia học chương trình phổ thông như các bạn đồng trang lứa.

“Đến giờ, tôi vẫn không thể tin con trai của tôi có ngày hôm nay. Nếu lúc trước tôi cố ngăn cản không cho Bảo theo học bơi thì giờ đây tôi là người có lỗi nhất”, bà Thủy nhắc lại chuyện xưa.

Sau 4 năm bền bỉ tập luyện, Bảo đã có dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp. Tại Giải bơi vô địch trẻ toàn quốc (tháng 7/2016), Bảo mới 15 tuổi đã xuất sắc giành HCV nội dung 100m ếch và 200m ếch nam. Quan trọng hơn, thông số 1 phút 06 giây 26 của Bảo tại nội dung 100m ếch đã thiết lập kỷ lục quốc gia mới của lứa tuổi.

Thành tích nối tiếp thành tích, tại Giải bơi lội vô địch quốc gia năm 2016, Bảo giành HCV nội dung 200m ếch, đồng thời phá kỷ lục tồn tại suốt 10 năm với thành tích 2 phút 23 giây 65.

Ở cấp độ đội tuyển, sau khi giành HCV 100m ếch tại Giải vô địch bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á lần thứ 39 năm 2015, Bảo tiếp tục đạt 3 HCV nội dung 100m ếch, 200m ếch, 400m tiếp sức hỗn hợp nam và 1 HCĐ nội dung 50m ếch tại giải lần thứ 40 ở Thái Lan (giữa tháng 12/2016).

Chỉ có thể xem con thi đấu qua tivi

img

Kình ngư Phạm Thanh Bảo giành 2 huy chương Vàng bơi ếch và phá kỷ lục SEA Games

Thanh Bảo sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Có thời điểm, cả nhà hết tiền, phải vay mượn để đong từng ký gạo. Dù là con duy nhất nhưng Bảo lớn lên trong cảnh nhà thiếu trước, hụt sau.

Căn nhà cấp 4 được xây dựng cách đây hơn 20 năm cũng đã cũ kỹ, xuống cấp. Bên trong gần như chẳng có đồ dùng gì giá trị ngoài những tấm huy chương, bằng khen của Thanh Bảo được cất giữ ngăn nắp trong tủ kính.

Ông Hải chia sẻ, do không có ruộng đất để canh tác nên hàng ngày ông phải đi bẻ dừa, hái cau chở đi bán, thu nhập khoảng 250.000 đồng. Bà Thủy thì làm thuê tại các quán ăn hoặc quét dọn theo giờ tại các gia đình khi có ai đó gọi nhưng tiền công chẳng được bao nhiêu.

Thế nên, mọi thứ từ việc đi chợ hàng ngày cho 4 người, thuốc thang cho bà nội, rồi đóng tiền học phí cho Thanh Bảo đều trông vào ông Hải.

“Lúc nào học phí của Bảo cũng đóng trễ hơn các bạn khác chừng 1 tháng. Thịt, cá lúc có lúc không, vì vậy trứng vịt chiên là món thường xuyên với Thanh Bảo lúc nhỏ”, ông Hải nhớ lại.

“Mẹ tôi mới qua đời cách đây hơn 2 tháng, lúc đó Thanh Bảo đang đi tập huấn ở Hungary không về chịu tang bà được. Từ ngày Bảo tham dự SEA Games 32 tại Campuchia, đêm nào tôi cũng thắp hương bà phù hộ cho Bảo. Hôm đạt HCV, Bảo gọi điện về khoe và nói sẽ mang về tặng bà nội”, ông Hải rưng rưng.

Người đàn ông nước da sạm đen vì lao động vất vả không giấu được sự tự hào khi chứng kiến con thành tài, có đóng góp cho đất nước: “Bảo là đứa con hiếu thảo, sống tình cảm, chan hòa với mọi người. Mỗi khi em nó đạt thành tích cao, báo chí đưa tin, người thân, bà con chòm xóm đều chúc mừng gia đình. Tôi và mẹ nó rất hãnh diện”.

Nói rồi ông Hải dẫn chúng tôi vào xem những Cup, những huy chương mà cậu con trai sinh năm 2001 đã giành được. Vừa khoe chiến tích của con ông vừa ngậm ngùi: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tiền nong không có nên không thể đi theo ủng hộ, cổ vũ mỗi khi Thanh Bảo tham dự các giải đấu trong nước cũng như quốc tế.

Duy nhất chỉ có năm 2022, vợ chồng tôi được tỉnh Bến Tre mời ra Hà Nội cổ vũ cho Thanh Bảo thi đấu Giải bơi toàn quốc. Khi chứng kiến Bảo nhận HCV, tôi cùng bà xã ngồi trên khán đài mà mừng rơi nước mắt. Còn lại gia đình chủ yếu là theo dõi, cổ vũ con qua tivi”.

Dù vậy, vợ chồng ông cũng chỉ xem con thi đấu được vào buổi tối do ban ngày còn bận mưu sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.