Thời gian qua, người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá phản ánh nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) và tiềm ẩn rủi ro đá rơi khi lưu thông giữa hai bên sườn núi Giếng, trên đoạn đường gom nối cầu vượt cao tốc Mai Sơn - QL45.
Ngày 25/10, Sở GTVT Thanh Hoá cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin đã phối hợp cùng với các ngành chức năng kiểm tra thực tế.
Tại thời điểm kiểm tra, đoạn tuyến từ Km 0+320 - Km 0+440 đường dẫn phía mố M1 cầu vượt ngang Km 300+360 (bắc qua dự án cao tốc Mai Sơn - QL45) đã được nhà thầu thi công hoàn thành, đưa vào khai thác.
Mái ta luy dương phía trái có chiều cao từ 3,9-16,2m không có giải pháp gia cố mái ta luy. Mái ta luy phía phải có chiều cao từ 22,6-54m, trong đó, đoạn từ cao độ mặt đường lên 12m đã hoàn thành gia cố mái bằng phun vữa bê tông lưới thép, neo và hàng rào mềm chống đá rơi; phạm vi chiều cao mái ta luy từ 12-54m không có giải pháp gia cố mái.
Thực tế cho thấy, mái ta luy dương phía trái và phạm vi mái ta luy dương phía phải từ độ cao 12-54m có nhiều vết nứt dài, lớn, xen kẹp các mạch đất nên nguy cơ xuất hiện các khối đá lở, đá lăn là rất cao, đặc biệt khi có mưa lớn.
Phạm vi hai đầu mái ta luy dương phía phải (đầu tuyến cao 26,7m và cuối tuyến cao 22,64m) không có bố trí hàng rào mềm chống đá rơi, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
Trong khi đó, đoạn tuyến trên thuộc tuyến ĐT522B có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn, hàng ngày rất nhiều học sinh đi qua đây nên người dân khu vực cảm thấy bất an, lo lắng là có cơ sở.
Trước vấn đề này, Sở GTVT Thanh Hoá đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long bổ sung giải pháp gia cố mái ta luy bằng phun vữa bê tông lưới thép, neo và kết hợp giải pháp hàng rào mềm chống đá rơi phạm vi hai đầu mái ta luy dương phía phải đoạn từ Km 0+320 - Km 0+440. Bên cạnh đó, bố trí đầy đủ hệ thống biển cảnh báo W.228 "Đá lở" tại hai đầu đoạn tuyến.
Ngoài ra, bổ sung gia cố mái ta luy bằng phun vữa bê tông lưới thép, neo đối với phạm vi mái ta luy dương phía trái và phía phải từ độ cao từ 12-54m còn lại. Thi công hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
Đối với hệ thống hàng rào mềm chống đá rơi đã được phía nhà thầu thi công ở giữa hai sườn núi Giếng, Sở GTVT Thanh Hoá cũng đề nghị kiểm tra, đánh giá độ ổn định của mái ta luy và độ an toàn của giải pháp, đảm bảo cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
Được biết, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được Bộ GTVT phê duyệt, đường dẫn phía mố M1 cầu vượt ngang Km 300+360 có cắt ngang qua núi Giếng tại thôn Bái Sơn, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung có độ dốc mái ta luy đào đá hai bên là 1/0,25m và thi công đào nền đường bằng phương pháp nổ mìn.
Trong quá trình thi công, do hiện trạng tự nhiên của đá nứt nẻ mạnh, nhiều vết nứt dài, lớn, xen kẹp các mạch đất, các khe nứt dễ tách rời nên không thể thi công hoàn thiện mái ta luy như hồ sơ đã được phê duyệt.
Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, mái ta luy đường dẫn phía mố M1 cầu vượt ngang Km 300+360 thuộc phạm vi gói thầu số 11-XL sử dụng kết cấu hàng rào mềm là kết cấu phòng tránh đá lở, đá rơi dạng bị động, có tác dụng đảm bảo khi xuất hiện các khối đá lở, đá lăn không bị văng và rơi xuống phạm vi mặt đường gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Việc xảy ra sạt lở các khối đá đã được lường trước và tư vấn thiết kế đã tính toán các khối đá lở va chạm với hàng rào để đảm bảo khả năng chịu lực, an toàn khai thác.
Hàng rào mềm thiết kế được thực hiện bằng cách mô phỏng các quỹ đạo đá lăn, đá rơi tại vị trí bất lợi nhất (đỉnh mái ta luy). Căn cứ kết quả tính toán hàng rào mềm đảm bảo khả năng chịu lực và ngăn chặn các khối đá lở rơi xuất hiện trên mái ta luy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận