Sự sụt giảm diễn ra trong bối cảnh hoạt động ngoại thương của nước này chậm lại và hoạt động di chuyển đã thuận lợi hơn khi các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 trên toàn cầu được nới lỏng.
Lịch sử khó lặp lại
Sự sụt giảm về giá cước vận tải đối với các tập đoàn Trung Quốc bắt đầu từ tháng Một năm nay và dự kiến còn tiếp tục trong những tháng tới. Tình hình này sẽ ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của các tập đoàn Trung Quốc trong ngành, theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP).
Ông Lu Ming, một đại diện của đơn vị vận tải biển Thượng Hải, cho biết: “Việc giá cước vận tải biển tăng cao trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 là lịch sử. Do đó, mức phí vận chuyển phát sinh từ sự gián đoạn cung và cầu do dịch bệnh sẽ không bao giờ quay trở lại nữa".
Cảng nước sâu Dương Sơn. Ảnh - Tân Hoa Xã
Các đơn vị vận tải Trung Quốc đang tính phí 4.797 USD để vận chuyển một container 40 feet (có tổng trọng lượng tối đa 32.500 kg) đến bờ biển phía Tây của nước Mỹ. Mức giá này đã giảm khoảng 60% so với đầu năm nay, theo dữ liệu từ Freightos, một nền tảng đặt dịch vụ vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Trước đó, các công ty vận tải biển ở Thượng Hải đã được hưởng lợi từ việc toàn thế giới kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt. Vào giữa năm 2020, trong tình trạng thiếu đơn vị vận tải và thiếu container vận chuyển hàng, cùng với nhu cầu vận chuyển lớn khi nhiều nhà xuất khẩu gấp rút vận chuyển hàng hóa và thực hiện các đơn đặt hàng ở nước ngoài, giá cước vận tải biển đã bị đẩy lên cao, thậm chí cao gấp 5 lần giá cước bình thường.
Thượng Hải là trung tâm vận chuyển lớn của Trung Quốc đại lục và cũng là cảng container lớn nhất thế giới. Nhưng hiện tại, nơi này đang phải hạn chế hoạt động trong 2 tháng nên cũng ảnh hưởng đến cung và cầu. Điển hình, có một số container nhập khẩu hàng hóa phải nằm trong bãi đậu của Cảng Dương Sơn tới 12 ngày – khoảng thời gian chờ đợi lâu đáng kể so với chỉ 4 ngày rưỡi trước khi lệnh phong tỏa được thực hiện.
Ông Xiong Hao, trợ lý Tổng Giám đốc của Công ty vận tải Shanghai Jump International cho biết: “Số lượng đặt container trong suốt hai năm qua đã lên tới mức cao chưa từng có và có thể không bao giờ lặp lại. Ngành vận tải biển đang trở lại bình thường và đang trong một vòng xoáy đi xuống”.
Tỷ lệ vận tải cũng bị ảnh hưởng khi hoạt động thương mại nước ngoài của Trung Quốc sụt giảm. Tháng trước, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,1%, lên 314,9 tỷ USD so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng cùng kỳ 18% trong tháng 7. Nhập khẩu trong tháng 8 cũng chỉ tăng 0,3% so với một năm trước đó lên 235,5 tỷ USD, giảm nhiều so với mức tăng 2,3% trong tháng 7.
Theo SCMP, dữ liệu thương mại Trung Quốc đang giảm đáng kể so với kỳ vọng của các nhà kinh tế và triển vọng tăng trưởng cũng vẫn ảm đạm do lạm phát ở Mỹ đang kéo giảm nhu cầu tiêu dùng.
Ngành vận tải biển bước vào thời kỳ mới
China Cosco Shipping Holdings, đơn vị vận tải lớn nhất Trung Quốc và cũng là chủ sở hữu của đội tàu container lớn thứ tư thế giới, gần đây cho biết việc giảm giá vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của tập đoàn.
Trong báo cáo thu nhập nửa đầu năm được đưa ra vào ngày 31/8, công ty này cho biết: “Chúng tôi cần chú ý tác động của lạm phát tới nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng. Ngành công nghiệp này sẽ phải đối mặt vói nhu cầu vận tải và việc triển khai các đội tàu trong tình hình mới”.
Công ty này ghi nhận lợi nhuận ròng là 64,7 tỷ NDT (9,3 tỷ USD) trong sáu tháng đầu năm, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021.
Các đơn vị vận tải hàng đầu trên toàn thế giới cũng đều được hưởng lợi nhuận cao trong hai năm qua. AP Moeller Maersk, tập đoàn vận tải lớn nhất thế giới, đã kiếm được 8,6 tỷ USD trong quý 2 năm nay, nhiều hơn lợi nhuận cả năm mà hãng này kiếm được trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Ông Gene Song, Giám đốc điều hành của nền tảng theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa SeaVantage tại Hàn Quốc cho biết: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hãng vận tải lớn kể từ năm 2021 đặt ra câu hỏi rằng liệu họ có nênlao vào cuộc đua bảo vệ thị phần dù lợi nhuận thấp đi hay không. Tuy nhiên, những tập đoàn vận tải lớn có thể chờ để theo dõi chu kỳ dài hạn của ngành thay vì gia nhập ngay vào các cuộc cạnh tranh giảm giá như đã xảy ra trong năm 2018 - 2019”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận