Vào ngày 10/10 vừa qua, tại thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm gây chấn động cả nước. Theo đó, một gia đình có 9 thành viên cùng ăn một món canh chua, sau đó tất cả đều bị ngộ độc nặng, 7 người không qua khỏi và 2 người đang trong tình trạng nguy kịch.
7 người không qua khỏi và 2 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Được biết, vào ngày 5/10, ông Vương Mỗ Mỗ cùng nhiều người thân trong gia đình tụ tập tại nhà mình để ăn món canh chua tự làm. Nguyên liệu làm món canh chua này đã để trong tủ lạnh được 1 năm.
Sau khi kiểm tra hiện trường, công an không phát hiện ra chất độc nào trong bếp. Tuy nhiên, sau khi khám nghiệm tử thi và xét nghiệm, người ta tìm thấy chất Afatoxin trong món canh chua vượt ngưỡng nghiêm trọng. Đây chính là nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm của 7 người.
Món canh chua mà gia đình này ăn có tên gọi là Suatangzi, được làm từ bột bắp ngô lên men, có vị chua đặc trưng. Hình dạng và màu sắc của nó giống như sợi mì. Người ta tin rằng, có thể bắp ngô bị mốc chứa độc tố Aflatoxin tồn tại trong món canh chua, dù được nấu chín nhưng vẫn khiến cả gia đình bị ngộ độc nặng.
"Thủ phạm" gây ra vụ ngộ độc.
Các loại ngũ cốc như đậu, hạt thường rất dễ bị nhiễm nấm Aspergillus flavus. Dù có bảo quản trong tủ lạnh đi chăng nữa, một khi bị nhiễm nấm này, nguy cơ ngộ độc rất cao.
Aflatoxin: chất gây ung thư sinh học mạnh nhất
Aflatoxin là một trong những chất gây ung thư mạnh nhất được tìm thấy cho đến nay, độc tính của nó tương đương với 10 lần kali xyanua và 68 lần so với asen. 1 mg aflatoxin có thể gây ung thư, nếu ăn 20 mg có thể trực tiếp gây tử vong đối với người lớn. Năm 1993, aflatoxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ định là chất gây ung thư loại 1.
Chất kịch độc này thường được tìm thấy trong một số loại thực phẩm sau:
- Ngũ cốc: Đậu phộng, ngô... mốc
Aflatoxin xuất hiện trong thực phẩm bị mốc, đặc biệt là những loại chứa nhiều tinh bột, chẳng hạn như đậu phộng và ngô. Tinh bột có thể sinh ra nấm Aspergillus flavus gây ung thư gan trong môi trường nóng ẩm.
Ngoài ra, Aspergillus flavus lây lan dưới dạng bào tử, thức ăn dễ bị nấm mốc. Vì vậy, một khi phát hiện đậu phộng bị hỏng, cần phải vứt bỏ ngay.
- Cơm thừa
Cơm thừa để quá lâu mà không bảo quản sẽ rất kém chất lượng, có thể tạo ra độc tố aflatoxin. Vậy nên, chỉ nên nấu một lượng vừa đủ ăn, tránh để lại cơm thừa trong nhiệt độ phòng.
- Các loại hạt có vị đắng
Nếu ăn phải các loại hạt có vị đắng nên nhả và súc miệng kịp thời. Vị đắng này là do độc tố aflatoxin sinh ra trong quá trình ẩm mốc, nếu ăn thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
- Dầu ăn chất lượng kém
Để giảm giá thành, một số cơ sở kinh doanh sử dụng nguyên liệu làm dầu kém chất lượng, hư hỏng, trong đó nguy hiểm nhất là bị mốc.
Một số hạt đậu phộng có bề ngoài bình thường nhưng bên trong đã xuất hiện độc tố aflatoxin. Máy ép dầu xưởng quy mô nhỏ có quy trình đơn giản, thiếu công đoạn loại bỏ các chất độc hại, không tinh chế được nguyên liệu, có thể gây ô nhiễm kim loại nặng và nhiễm độc aflatoxin và các vấn đề khác.
- Mộc nhĩ ngâm lâu
Nếu ngâm mộc nhĩ quá lâu sẽ sinh ra nhiều vi khuẩn và độc tố aflatoxin. Mặc dù có thể được rửa nhiều lần nhưng chất độc này vẫn không được loại bỏ hoàn toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận