Cầu Ông Tường do con cháu liệt sĩ Nguyễn Chưng đóng góp xây dựng |
12 người trong gia đình là liệt sĩ, 3 người mẹ, con dâu nén nỗi đau thương động viên chồng con ra chiến trận trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng… “Đại gia đình” liệt sĩ Nguyễn Chưng (thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) không chỉ là biểu tượng sống về lòng trung hậu, yêu nước bất khuất mà đang viết tiếp kỳ tích về truyền thống cách mạng và lòng nhân ái, góp tiền xây cầu, làm đường xây dựng quê hương.
Sử gia hào hùng
Trên bàn thờ trong các căn nhà họ tộc ông Nguyễn Văn Huyến (con liệt sĩ Nguyễn Chưng) nghi ngút hương khói. Các bức huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng. 87 tuổi, ông Huyến còn khá minh mẫn, cẩn thận giở cuốn gia phả như ngược dòng lịch sử khắc ghi truyền thống hào hùng, bất khuất mà ít gia đình nào có được.
Cha ông Huyến, liệt sĩ Nguyễn Chưng vốn là nông dân, thời kháng chiến chống Pháp ruộng đất tại thôn Kim Đông bị địa chủ, cường hào cướp hết, đời sống người dân muôn phần khó khăn. Không chịu khuất phục trước nạn cường hào, ác bá, ông Chưng đã đứng lên tham gia các phong trào đấu tranh đòi lại đất cho người dân. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Chưng bám trụ tại địa phương hoạt động bí mật: Treo cờ cách mạng, rải truyền đơn tuyên truyền, làm liên lạc viên, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội và nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng, trong đó có những cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Định.
Sau khi đất nước thống nhất, con cháu liệt sĩ Nguyễn Chưng đều học hành thành đạt, người được học thấp nhất cũng đạt trình độ cao đẳng. Đặc biệt, có người chắt là Nguyễn Duy Minh (34 tuổi) đã tốt nghiệp Tiến sĩ tại Học viện Khoa học ứng dụng Quốc gia Lyon (Pháp) tháng 3/2012, hiện đang công tác tại Pháp. Với tinh thần hiếu học đó, UBND xã Phước Hòa đã công nhận “Dòng họ hiếu học” cho nhánh họ Nguyễn tại thôn Kim Đông, xã Phước Hòa. |
“Cuối tháng 3/1966, trong một cuộc càn quét của Mỹ ngụy, bố tôi cùng người dân cách mạng thôn Kim Đông đấu tranh trực diện với kẻ địch và anh dũng hy sinh”, ông Huyến kể.
Nỗi đau mất chồng, mất cha không hề làm nhụt ý chí của người trong đại gia đình ông Huyến. Bà Lê Thị Mười (vợ liệt sĩ Nguyễn Chưng) vẫn tích cực tham gia hoạt động cách mạng địa phương, đồng thời động viên mọi người trong gia đình từ con trai đến con dâu, tới các cháu nội, ngoại lần lượt tòng quân cầm súng ra trận, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ông Huyến kể: Nhà có 8 anh chị em thì 7 người nối bước cha mẹ tham gia kháng chiến. Trong đó, 6 người là bộ đội tập kết ra Bắc, sau đó vào Nam trực tiếp cầm súng ra trận đánh giặc, 1 người tham gia phong trào cách mạng địa phương. Một người chị dâu cùng 8 đứa cháu cũng theo chú, bác ra trận. Nhiều người bám trụ tại địa phương bí mật nuôi bộ đội, cung cấp lương thực cho cán bộ chiến đấu. Bản thân ông Huyến cũng tham gia bộ đội từ những năm 1950 rồi tập kết ra Bắc, sau đó được đưa đi học ở Trung Quốc rồi về chuyển ngành làm việc ở Bộ Công nghiệp thực phẩm cho đến lúc nghỉ hưu…
Giọng ông Huyến như trùng lại: Ngày đó, hầu như trong nhà đều vắng bóng anh chị em, chẳng mấy khi có dịp đoàn viên. Mọi người hết ra Bắc lại vào Nam, đến các chiến trường trọng điểm. Chiến tranh ác nghiệt, phải đánh đổi bằng cả xương máu để giành độc lập. Mẹ Mười nén cơn đau thương trước hung tin chồng, con trai, 2 con dâu rồi đến các cháu nội, ngoại anh dũng hi sinh. Bàn tay ông Huyến run run, lật giở trang gia phả về nhà mẹ Trần Thị Lưỡng (con dâu của liệt sĩ Nguyễn Chưng) có hai con là liệt sĩ, bản thân mẹ Lưỡng cũng hi sinh trong chiến trận. Những dòng sử thấm đẫm máu xương nhà mẹ Huỳnh Thị Thử (con dâu của liệt sĩ Chưng) cũng có chồng và hai con đều là liệt sĩ… “12 người hi sinh được phong liệt sĩ, 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, đó chính là bố mẹ, anh chị em và các cháu nội, ngoại trong gia đình tôi”, ông Huyến bộc bạch, ánh mắt luôn toát vẻ cương nghị.
Ông Nguyễn Văn Huyến (87 tuổi, con trai út liệt sĩ Nguyễn Chưng) xem tấm ảnh chung của gia đình trước khi tập kết ra Bắc và cuốn sổ vàng của gia tộc |
Đến những “nhịp cầu ước mơ”
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết, gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng có truyền thống cách mạng vẻ vang. Trong thời chiến, gia đình ông Chưng đã đóng góp xương máu cho độc lập dân tộc, trong thời bình thì góp của xây dựng quê hương.
Hơn chục năm trước, gia đình ông Chưng đã góp tiền giúp dân Kim Đông xây dựng con đường và cây cầu dẫn vào thôn… Ông Lâm (56 tuổi, người dân trong thôn) kể: Con mương rộng chưa đầy 10m nhưng khiến người dân thôn này muốn vượt qua vô cùng cơ cực. Mỗi lần muốn băng qua là một lần bì bõm lội nước, lội bùn. Mùa nắng không sao, mùa mưa nước kênh dâng cao cô lập đôi bờ. Đường đất gồ ghề, lầy lội khổ lắm. Theo lãnh đạo UBND xã Phước Hòa, địa thế cách trở khiến người dân thôn Kim Đông khó khăn trong canh tác, sản xuất. Mỗi mùa thu hoạch lúa, người dân phải ra đồng gánh lúa đi bộ về. Thấy bất tiện, nhiều người nảy ý làm cầu tre đi tạm. Ngặt nỗi, Phước Hòa là vùng rốn lũ, thiên tai thường xuyên hoành hành. Mỗi năm vài trận lũ dữ đi qua, những cây cầu tre tạm bợ bị cuống phăng, cảnh cô lập cứ thế tái diễn.
Nhìn bà con khổ sở, gia đình ông Huyến lên ý tưởng làm một chiếc cầu bê tông vững chãi. Nghĩ là làm, ông Huyến gọi con cháu tề tựu về nhà từ đường bàn bạc việc làm cầu. Chủ trương này ngay lập tức được mọi người trong đại gia đình ông Huyến tán thành, đồng lòng góp được hơn 200 triệu đồng. Đầu tháng 3/2006, được chính quyền địa phương ủng hộ, cây cầu Ông Tường chính thức khởi công. Người dân thôn Kim Đông hồ hởi góp ngày công. Ông Nguyễn Minh Chuẩn, Trưởng thôn Kim Đông nhớ lại, ngày ấy nghe ông Huyến nói xây cầu bê tông bắc qua kênh, người dân trong thôn vui mừng khôn xiết. Hàng chục năm, người dân Kim Đông nuôi mơ ước xây một cây cầu bê tông để đi lại, nhưng ngặt nỗi ai cũng khó khăn nên không thực hiện được.
Sau 45 ngày, cây cầu dài 20m có tên cầu Ông Tường (tên thường gọi của liệt sĩ Nguyễn Chưng) hoàn thành. Số tiền làm cầu thừa, ông Huyến bàn với gia đình, địa phương làm thêm con đường bê tông dài gần 300m nối nhịp đôi bờ mương Thương.
Hơn 10 năm, cây cầu Ông Tường cùng con đường bê tông của gia đình liệt sĩ Nguyễn Chưng luôn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. “Giờ cứ đến mùa lúa là xe máy chạy đến tận nơi chở về, thuận lợi lắm. Nhờ cây cầu với con đường này, không chỉ xóm Trì Bổng mà cả thôn Kim Đông đã thay đổi rõ rệt”, ông Chuẩn nói và cho biết thêm, ngoài những đóng góp trên, ông Nguyễn Văn Huyến đã trích tiền 60 năm tuổi Đảng của mình tặng cho Hội Khuyến học xã và tặng 5 chiếc xe đạp cho các cháu nhà nghèo học giỏi trong thôn. Hàng năm, gia tộc Nguyễn luôn duy trì học bổng cho con cháu trong dòng họ và học sinh nghèo học giỏi ở thôn Kim Đông...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận