Chuyện dọc đường

Giá được xét nghiệm Covid-19 đơn giản hơn

01/10/2021, 05:30

Vấn đề đặt ra là, cần thiết có phương pháp xét nghiệm Covid-19 thân thiện và hiệu quả hơn.

Câu chuyện lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 (thường gọi là test) cho đến nay vẫn là đề tài luôn được người dân bàn đến.

Trong phạm vi bài viết này, người viết không bàn đến các vấn đề khác mà chỉ muốn nói về phương pháp lấy mẫu bệnh phẩm vốn được nói đến bằng một từ không mấy thiện ý là “chọc mũi”.

img

Sau Mỹ và Nhật Bản, đến lượt Singapore cho phép sử dụng mẫu nước bọt thay cho mẫu quệt mũi - họng để làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19

Phương pháp đưa que gòn hay còn gọi nôm na là tăm bông chọc vào sâu trong mũi gây ra nhiều phiền toái cho người được lấy mẫu vì nó khá khó chịu, thậm chí gây đau, nhất là người có bệnh về mũi như viêm xoang, dị ứng…

Lấy mẫu bằng cách này rất khó giao cho người dân tự làm (ở nhà hoặc điểm xét nghiệm) vì có thể không chính xác hoặc phát sinh tình trạng đối phó, chỉ chọc hờ hờ bên ngoài.

Việc “chọc mũi” cần có kỹ thuật vì thế tốn nhân lực y tế. Ấy là chưa kể, trong quá trình lấy mẫu đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như vụ một cán bộ ở Đà Nẵng tát nhân viên lấy mẫu vì cho là “bị chọc đau”, hoặc mới đây là vụ phá cửa cưỡng chế một phụ nữ ở phường Vĩnh Phúc (TP Thuận An, Bình Dương) đi xét nghiệm…

Những việc nọ, việc kia quanh chuyện lấy mẫu xét nghiệm xảy ra ở nhiều nơi khiến không ít người ngại, hoặc có tâm lý trốn lấy mẫu, tạo ra tác động không tốt cho công cuộc chống dịch của toàn xã hội.

Đã có nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng về việc vì sao lấy mẫu nhiều thế, ví dụ ở Đà Nẵng, ai ở đâu ngồi yên đó cả tháng trời vẫn lấy mẫu cả chục lần.

Tất cả sự việc nêu trên tạo ra tác động không tốt đến nỗ lực chống dịch bệnh của toàn xã hội.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, mở từng phần một số hoạt động, tiến dần đến phương án “sống chung với virus”.

Sắp đến, người dân trên 18 tuổi ở nhiều tỉnh, thành cũng sẽ được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nhưng dù như thế thì việc xét nghiệm vẫn phải tiếp tục, ít nhất là cho tới khi có biện pháp phòng bệnh cho các em nhỏ.

Vấn đề đặt ra là, cần thiết có phương pháp xét nghiệm Covid-19 thân thiện và hiệu quả hơn.

Theo Cổng thông tin điện tử ngành Y tế TP.HCM thì Cơ quan Khoa học Y tế Singapore đã phê duyệt bộ dụng cụ xét nghiệm mới sử dụng mẫu thử là nước bọt trong cổ họng thay cho quệt mũi-họng.

Theo Cơ quan này: “Việc sử dụng nước bọt sâu trong họng để lấy mẫu bệnh phẩm sẽ ít xâm lấn hơn và tạo cảm giác thoải mái hơn cho người được thử.

Bộ xét nghiệm mới này có thể được sử dụng mà không cần sự giám sát của các chuyên gia y tế, giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan virus tiềm ẩn”.

Xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 theo phương pháp này được áp dụng tại sân bay Changi vào đầu năm 2021 và được hành khách đánh giá cao về tính thân thiện, tiện ích của nó.

Dịch bệnh có thể được kiểm soát và lắng xuống vào những thời điểm nào đó nhưng virus vẫn tồn tại, do vậy, ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch bệnh do cơ quan y tế đề ra thì cần có phương pháp mới cho xét nghiệm. Cách thức có thể khác nhau trong từng giai đoạn.

Theo xu hướng tiên tiến của thế giới thì người dân có thể chủ động lấy mẫu bệnh phẩm để cơ quan y tế xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm khi có dụng cụ thử.

Từ những vấn đề nêu trên, mong ngành Y tế tiếp cận phương pháp mới này (hoặc có thể có phương pháp mới khác tiện ích hơn) để tăng cường hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Làm thế nào để việc xét nghiệm trở thành bình thường như chúng ta tự đo nhiệt độ hoặc huyết áp khi cảm thấy cần phải kiểm tra thường xuyên hoặc khi có dấu hiệu lạ về sức khỏe của bản thân.

Nguyễn Thế Thịnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.