Giá tăng theo ngày, chật vật tìm hàng
Khảo sát tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cho thấy, mỗi cân gạo tám lùn, thơm Thái hiện có giá 19.000 đồng; tám Hải Hậu 22.000 đồng; bắc hương 17.000 đồng/kg; tám Campuchia 25.000 đồng.
Theo các tiểu thương, tất cả các loại gạo đều lên giá trong vài tuần gần đây. Một số loại gạo còn thay đổi giá liên tục theo ngày, thậm chí theo giờ, khiến họ không kịp cập nhập giá mới. Điều này khiến không ít khách hàng phản ứng.
Chị Nguyễn Thị Mến, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá gạo lên nhanh, mỗi lần tăng tận 1.000-2.000 đồng/kg. Đây là điều mà hơn 10 năm nay chị chưa từng thấy.
“Giá gạo gần như giữ nguyên từ năm này qua năm khác, có tăng thì tối đa lên khoảng vài nghìn đồng mỗi năm”, chị Mến nói và cho biết thêm, còn tăng nhanh hơn thời điểm Covid-19.
Nhiều loại gạo tăng giá hàng ngày.
Chị Mến dẫn chứng: “Cách đây 1 tuần gạo bắc hương có giá 16.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 17.000 đồng/kg và giờ mua lô hàng mới đã phải tăng thêm 1.000 đồng/kg, cho nên khi hàng mới về sẽ phải bán giá 18.000 đồng/kg.
Đã vậy, việc nhập gạo cũng gặp khó khăn do các đầu mối không muốn bán để giữ giá. Có những mặt hàng phải gọi nhiều nơi mới mua được.
“Bình thường đầu mối họ tìm mình, giờ mình phải đi tìm mối để có hàng. Thậm chí, tìm được rồi còn bị bắt trả tiền ngay trong đêm mới giữ được hàng”, chị Mến than thở, tình trạng này kéo dài thì các tiểu thương sẽ rất khó khăn.
Là tổng đại lý gạo được 13 năm, đây là lần đầu tiên chị Lê Thị Phúc (tiểu thương chợ Dịch Vọng) thấy giá gạo tăng "chóng mặt" như vậy. Đến nay, giá gạo đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Thời điểm này, giá gạo mỗi ngày mỗi khác. Có thời điểm, tôi gọi cho đối tác trong Nam để lấy gạo, ban đầu họ báo giá 15.000 đồng/kg, nhưng chỉ 30 phút sau, họ báo lại giá gạo tăng lên 15.500 đồng/kg, thậm chí cao hơn.
Chị Phúc cũng cho biết, việc nhập gạo từ miền Nam về Hà Nội cũng rất khó.
Chị nói: "Nhiều đối tác của chúng tôi cho rằng hiện nay, các đơn hàng gạo xuất khẩu giá tăng rất cao, cho nên họ ưu tiên các hợp đồng xuất khẩu gạo, ít bán cho tiểu thương trong nước. Tôi chuyển khoản 300 triệu đồng tiền mua gạo cho đối tác ở Đồng Tháp, nhưng sau đó, đối tác báo huỷ và chuyển trả tiền lại cho tôi".
Tiểu thương phải bù lỗ, lo ế ẩm
Dù giá nhập vào tăng, nhưng giá bán ra các tiểu thương không dám tăng nhiều vì đây là mặt hàng thiếu yếu, người dân cũng phản mạnh. Các tiểu thương phải “nhìn nhau” tìm cách giữ khách.
Chị Mến cho biết, thay vì mua dự phòng, giờ khách chững lại đợi giá giảm nên chỉ dám bán sát giá nhập vào để giữ chân khách và chấp nhận bù lỗ cho những mối lớn, vì giá đã thống nhất với nhau từ trước với giao kèo “giá thay đổi giá phải bảo trước một tuần”.
Đó cũng là nỗi niềm của chị Phúc. Hiện tại, mỗi một tạ gạo, chị Phúc phải bù lỗ 70.000 đồng. “Tôi cũng không dám nhập nhiều vì sợ nếu giá gạo thời gian tới chững lại hoặc xuống thấp, không ai bù lỗ cho tiểu thương chúng tôi", chị Phúc cho hay.
Đến nay, giá gạo đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế, những ngày qua, giá gạo xuất khẩu tăng cao nhất 11 năm, sau khi Ấn Độ (chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu) cấm xuất khẩu gạo, dẫn tới tại một số địa phương xuất hiện hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Trước tình trạng này, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm, thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh, thị trường đang có biểu hiện cung ít hơn cầu nên diễn biến giá tăng chắc chắn còn xảy ra.
Ông nói: “Tôi tin rằng các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang rất tranh thủ để nắm cơ hội xuất khẩu lần này. Do đó, việc đầu cơ giữa các hệ thống trung gian là không thể tránh khỏi. Vì thế, cần thiết phải có giải pháp ngăn chặn các trường hợp đầu cơ, gây bất ổn thị trường.
Theo ông Thoả, hiện vẫn chưa biết chính sách của Ấn Độ kéo dài bao lâu, nên nếu ồ ạt mua vào nhiều để đầu cơ, rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, khi đó lại đổ xô bán tháo, chắc chắn sẽ lỗ”.
“Theo quy luật thị trường, giá lên cao rồi sẽ phải xuống, khi giá xuống nếu doanh nghiệp không kịp trở tay thì sẽ có nhiều rủi ro. Vì vậy, trước mắt các doanh nghiệp nên tính toán kỹ lưỡng khi mua lượng hàng ở mức hợp lý và đảm bảo chất lượng đầu vào”, Chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả lưu ý.
Bộ Công thương cho biết, đã hoả tốc văn bản gửi các địa phương để bình ổn thị trường gạo. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Bộ này lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận