Thị trường

Giá hàng hóa “tăng nhanh, nhưng giảm chậm” theo xăng dầu, cách nào xử lý?

04/08/2022, 17:07

Theo các chuyên gia, giá hàng hóa “tăng nhanh, nhưng giảm chậm” theo xăng dầu là do độ trễ, tuy nhiên, không thể kéo dài hàng tháng...

Hiện, giá xăng dầu đã có 4 đợt giảm liên tiếp với tổng mức giảm hơn 7.000 đồng/lít xăng, xuống còn hơn 24.000 đồng/lít, từ mức gần 33.000 đồng/lít.

Nhưng đến nay, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn không có dấu hiệu giảm.

Các chuyên gia đã “mổ xẻ” vấn đề này tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm – Thực trạng và giải pháp”, do Công Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/8.

img

Hàng hóa thiết yếu gần như không giảm, dù giá xăng dầu giảm hơn 7.000 đồng

“Không thể kéo dài hàng tháng, phải điều chỉnh ngay”

Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, trước mắt là do độ trễ của một số mặt hàng chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu.

“Khi điều chỉnh giá giảm, cần có độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu ảnh tác động trực tiếp đến giá xăng dầu,... rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua”, theo bà Nương.

Đồng tình với quan điểm về độ trễ của bà Nương, tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, cũng có một số nguyên nhân khác.

Ông Lực nói: “Thông thường các doanh nghiệp tính toán, nếu họ giảm ngay, sau này tăng lên sẽ cực kỳ khó, người dân có khi không đồng tình.

Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống".

img

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc (phải) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Do đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh, có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay.

Để không có tính trạng “té nước theo mưa”, hàng hóa không giảm khi giá xăng dầu xuống thấp, ông Lực đề nghị sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa.

“Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.

Độ trễ cũng là nguyên nhân giá cước vận tải chưa giảm ngay, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, từng loại hình vận tải sẽ có những mức chi phí xăng dầu khác nhau, tuy nhiên, nhìn chung, chi phí xăng dầu chiếm 30-40% trong cơ cấu giá thành vận tải.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác cấu thành giá. Do đó, khi có tác động tăng giảm, họ cần tính toán, xem xét tâm lý khách hàng và đối thủ cạnh tranh.

Ví dụ như taxi, họ phải tính toán, sau đó phải thực hiện kê khai lại giá và điều chỉnh đồng hồ tính tiền...

Cách nào ngăn tình trạng "tăng nhanh, nhưng giảm chậm”?

Trước vấn đề kiểm soát tình trạng hàng hóa "tăng nhanh, nhưng giảm chậm”, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, Bộ GTVT đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản thật phù hợp.

Trước mắt, Bộ đã chỉ đạo địa phương rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải.

"Điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp", ông Ngọc nói.

Ngoài ra, Bộ này đã yêu cầu kiểm tra việc niêm yết giá và thực hiện đúng theo quy định niêm yết.

"Tổng cục Đường bộ phải tổng hợp, thống kê tình hình và kiểm tra các Sở GTVT, các cục đường bộ, hàng hải, hàng không, thủy nội địa, đường sắt triển khai công tác tương tự liên quan đến chuyên ngành của mình.

Còn Cục Quản lý chất lượng giao thông cần phối hợp để nắm bắt tình hình liên quan đến các công trình giao thông trọng điềm, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để không làm chậm tiến độ các công trình trọng điểm", ông Ngọc nói.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương cho biết, Bộ Tài chính đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Tuy nhiên, các bộ ngành cần tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

"Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến cái chỉ số CPI, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh, để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp", theo đại diện Bộ Tài chính.

Không nên phản ứng thái quá với giá cả, tránh lạm phát tâm lý

Cũng theo ông Lực, người tiêu dùng không nên phản ứng thái quá với giá cả vì đó là câu chuyện của thị trường và cần làm rõ việc tăng giá thuộc cấu phần giá nào.

Ông Lực nói: "Lo sợ thái quá với giá cả sẽ khiến lạm phát tâm lý, ảnh hưởng đến nguồn cung, đẩy giá cả hàng hoá tăng cao".

Theo ông, có 3 mặt hàng, ngành nghề tăng giá đã đẩy chỉ số CPI lên cao, đó là: Giao thông vận tải, lương thực thực phẩm và nhà ở xây dựng, cho nên phải kiểm soát được 3 nhóm mặt hàng này.

"Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần phải sát tình hình hơn nữa", ông Lực nói và mong muốn các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.