Tính thiếu cho dân, phó Chủ tịch tỉnh chỉ đạo cũng không xử lý
Năm 2017, UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) ban hành văn bản thu hồi đất nông nghiệp của 123 hộ dân tại khu vực thôn Tân Lập thị trấn Chư Sê để thực hiện Dự án mở rộng trung tâm hành chính, khu đô thị sinh thái phía đông huyện Chư Sê (Dự án KĐT phía Đông).
Quá trình triển khai dự án, UBND huyện Chư Sê đã không tính được khoản tiền quy định về hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi việc làm theo quy định của Điều 20, Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ khiến người dân bị thiệt thòi trong triển khai dự án của huyện. Và có tới 40 hộ dân không đồng tình với cách làm của huyện Chư Sê.
Về việc này, chính quyền huyện Chư Sê cho rằng, người dân có nhu cầu học nghề thì UBND huyện sẽ hỗ trợ đào tạo nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện Chư Sê, huyện không hỗ trợ bằng tiền. Trả lời của chính quyền huyện khiến hàng chục người dân không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện kéo dài nhưng vẫn không được xử lý. Hàng chục người dân bị ảnh hưởng trong dự án trên đã kéo lên trung tâm hành chính tỉnh Gia Lai yêu cầu lãnh đạo tỉnh Gia Lai xử lý.
Từ đơn thư khiếu nại trên gửi lên UBND huyện Chư Sê không giải quyết trả lời đơn thư mà chỉ tổ chức đối thoại. Việc đối thoại cũng không thoả đáng khiến người dân tụ tập kéo đến trụ sở của UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu xử lý. Nhiều văn bản của cấp tỉnh Gia Lai chỉ đạo UBND huyện Chư Sê, nhưng huyện không làm theo.
Đáng chú ý, ngày 16/8, ông Đỗ Tiến Đông, Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai có công văn xử lý đơn của người dân ở huyện Chư Sê liên quan đến vụ việc trên. Trong đó, UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, việc UBND huyện Chư Sê không hỗ trợ người dân trong việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm sau thu hồi đất là không đúng quy định.
Viện dẫn quy định tại khoản 1, điều 20, Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ và quyết định số 21/2014/QĐ - UBND tỉnh Gia Lai ban hành năm 2014, Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai yêu cầu chủ tịch huyện Chư Sê tính toán, chi trả cho hộ đân bị tính thiếu trong tiền hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với mức bằng 2,5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích bị thu hồi.
Văn bản này cũng yêu cầu chính quyền huyện Chư Sê tổ chức rà soát lại các trường hợp bị thu hồi đất tại Dự án KĐT phía Đông và các dự án khác để xác định đối tượng được hỗ trợ đào đạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo của Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông ký gửi ngày 16/8 nhưng đến ngày 16/12, UBND huyện Chư Sê không thực hiện.
Chủ tịch tỉnh "ra tay"!
Liên quan đến vụ việc trên, Hội đồng Tư vấn giải quyết khiếu nại tỉnh Gia Lai mới đây có văn bản khẳng định UBND huyện Chư Sê làm sai. Đồng thời nêu nguyên nhân phát sinh khiếu nại nhiều lần là do huyện này thực hiện không đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi thiếu chế độ theo quy định của pháp luật.
Chính quyền tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra, đồng thời yêu cầu chính quyền huyện Chư Sê giải quyết dứt điểm nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Tuy nhiên UBND huyện Chư Sê không phối hợp và không chấp hành chỉ đạo của tỉnh.
Ngày 16/12, ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Chư Sê nghiêm túc nghiên cứu kỹ các nội dung mà hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại tỉnh đã phân tích để xử lý đúng quy định pháp luật trong việc thực hiện chi trả hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho đối tượng đủ điều kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận