Thông trong rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ bị chặt hạ để lấy đất làm rẫy |
Mới đây, khi thi công qua đoạn đường Hồ Chí Minh tránh TP Pleiku cắt ngang qua khu rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ địa phận TP Pleiku, Ban quản lý dự án đường đã phát hiện nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm từ nhiều năm. Quá trình triển khai GPMB thực hiện thi công, họ buộc phải đền bù vì làm đường ảnh hưởng đến cây trồng của người dân dù đất đai không có giấy tờ xác định định nguồn gốc.
Đáng nói, diện tích của người dân canh tác tại vùng lõi rừng đoạn qua hai xã Gào và xã Ia Kênh vẫn tiếp tục tăng lên. Tại đây, hàng loạt cây thông trồng trên 25 năm bỗng nhiên héo úa rồi chết. Quan sát tại hiện trường, người đân đã chặt hết phần vỏ của cây, dùng lửa đốt. Thậm chí có những gốc thông còn bị người dân dùng cưa cắt.
Quan sát riêng tại một rẫy của người tên Rơ Châm D. (trú tại làng Sơr, Ia Kênh) cho thấy, cứ mỗi gốc thông chết đi thì rẫy cà phê lại rộng ra. Những gốc cà phê cứ được trồng thêm bên cạnh những gốc thông vừa bị đốn hạ. Nhiều nương rẫy lân cận rẫy của Rơ Châm D. cũng thực hiện giết thông bằng cách tương tự. Việc giết cây này đã xảy ra từ nhiều năm trước. Vì thế, diện tích rừng Bắc Biển Hồ ngày một teo tóp hơn.
Trước đó, năm 2017, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được giao quản lý bảo vệ khoảng 8.000ha, nhưng 7 năm qua đã để mất gần 2.500ha rừng. Đáng nói, không chỉ người dân lấn chiếm đất rừng còn có hơn 8,4ha đất rừng đã bị lấn chiếm, hợp thức hóa thành đất của cán bộ, nhân viên hoặc cựu cán bộ, nhân viên của ban quản lý rừng này.
Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra 15 cán bộ từ Trưởng Ban Quản lý đến nhân viên của đơn vị chiếm đất lâm nghiệp của Nhà nước nơi mình quản lý làm của riêng nhằm mục đích làm trang trại trồng cà phê, tiêu, xây nhà kiên cố.
Đáng nói, quá trình chuyển đổi đất này đã được hợp thức hoá từ đất rừng của Nhà nước thành cá nhân bằng cách "mua" đất của những người đã lấn chiếm từ rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, rồi "hợp thức hóa" làm sổ đỏ đất lâm nghiệp thành đất thổ cư và nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tất Thành, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết, vừa về đảm nhận công việc mới 1 năm nên những vụ phá rừng trước đây chỉ biết trên báo cáo. Hiện tại, Ban quản lý đã lập danh sách với diện tích khoảng 19,1ha bị người dân lấn chiếm. “Đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với ngành chức năng tiến hành vận động và cưỡng chế lấy lại đất cho Nhà nước và sẽ được thực hiện trong thời gian sắp tới”, ông Thành nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận