Khu vực bị mất rừng sau khi thu hồi dự án thủy điện |
Cuối tháng 5/2010, tỉnh Gia Lai đã cấp phép và giao cho Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng thuê gần 80ha đất, trong đó có hơn 30ha rừng để làm thủy điện. Tuy nhiên, sau ba năm, thủy điện không thấy đâu mà rừng thì chỉ còn... 6,6ha.
Dự án dừng, rừng cũng mất
Trước đó, ngày 25/5/2010, UBND tỉnh Gia Lai có hơn 30ha đất rừng khộp và rừng đang phục hồi thuộc Tiểu khu 910, 911 rừng giáp ranh giữa xã Ia Vê và Ia Gla của huyện Chư Prông. Đến năm 2013, do dự án thủy điện không triển khai xây dựng nên tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động của dự án. Tuy nhiên, khi dự án thu hồi cũng là lúc rừng bị cạo trọc với diện tích 23,6ha rừng trong tổng số hơn 30ha rừng.
Tại hiện trường, PV Báo Giao thông chứng kiến khu vực lòng hồ thủy điện không còn rừng, đại đa số là những vườn cây của người dân. Trao đổi với PV, ông Trương Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết, trước khi UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án thủy điện, ông không phụ trách khu vực nên không rõ sự việc. Năm 2014, cơ quan chức năng đi kiểm kê rừng ở khu vực trên mới biết rừng bị mất và không biết rừng này bị phá lúc nào. Còn các kiểm lâm địa bàn đã luân chuyển công tác nên chưa nắm rõ.
Ông Siu Juơ, Chủ tịch xã Ia Vê cho biết, vừa mới lên chức chủ tịch xã gần đây nên cũng không rõ việc mất rừng này. Liên hệ với ông Nguyễn Trúc, Chủ tịch xã Ia Ban (nguyên Chủ tịch xã Ia Vê) chúng tôi được biết rừng tại khu vực dự án thủy điện bị phá là do người dân giữa hai xã giáp ranh. Nhưng vào thời điểm trên diện tích rừng do Công ty Khải Hoàng quản lý nên xã không thể can thiệp.
Doanh nghiệp lại muốn tiếp tục làm
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đã cử đoàn công tác đi kiểm tra lại diện tích rừng bị thiệt hại. “Hiện tại, chúng tôi đang thống nhất lại với các ngành để làm báo cáo gửi UBND tỉnh”, vị lãnh đạo này nói.
Mới đây, Công ty Khải Hoàng tiếp tục xin lại công trình dự án Thủy điện Ia Glae 2. Ông Dương Viết Quyết, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty xác nhận việc công ty đang xin UBND tỉnh Gia Lai xem xét phê duyệt lại dự án để xây dựng. Được biết, Thủy điện Ia Glae 2 có công suất 9 MW, với tổng số vốn 225 tỷ đồng.
Đề cập đến việc rừng bị mất sau khi giao cho công ty, ông Quyết giải thích là do người dân địa phương phá làm nương rẫy. Phía công ty sẽ trồng lại rừng và chờ cơ quan chức năng kiểm đếm lại rừng, số củi, gỗ bị mất và đền bù theo quy định.
Đầu tháng 10/2016, tỉnh Gia Lai có văn bản giao Sở NN&PTNT, cùng cơ quan liên ngành xác minh vụ việc mất hơn 23,6 ha rừng đã bị chặt phá, trong đó yêu cầu cần phải nêu rõ các căn cứ có liên quan; Trách nhiệm của đơn vị, cơ quan có liên quan để xảy ra việc chặt phá diện tích rừng này.
Mặc dù chưa có văn bản đồng ý chủ trương có tiếp tục cho Công ty Khải Hoàng xây dựng thủy điện nhưng văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm lập điều chỉnh phương án xây dựng Thủy điện Ia Glae 2 để không ảnh hưởng đến diện tích 6,6ha rừng tự nhiên còn lại, trong đó phải làm rõ ảnh hưởng đến môi trường của phương án điều chỉnh.
>>> Xem thêm clip:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận