Hạ tầng chưa đáp ứng
Ngày 24/10, tại Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Bộ Công thương và UBND tỉnh này tổ chức, nhiều nhà quản lý, chuyên gia đánh giá thực trạng và các định hướng, chiến lược phát triển hạ tầng để phát triển dịch vụ logistics.
Theo ông Trần Đình Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai , tỉnh Gia Lai có vị trí quan trọng trong mạng giao thông của cả nước nói chung và của vùng Tây Nguyên nói riêng. Vị thế là cửa ngõ của khu vực Tây Nguyên, đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Tỉnh này còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.
Hạ tầng giao thông kết nối đối ngoại của tỉnh gồm hai phương thức là đường bộ và hàng không. Với hạ tầng giao thông đường bộ là thông qua các tuyến quốc lộ, trong đó kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên qua đường Hồ Chí Minh, QL14C.
Kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ qua đường Hồ Chí Minh. Kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung qua đường Trường Sơn Đông, QL25 và QL19 thuận lợi đi đến mọi miền của đất nước, đồng thời kết nối ra cảng biển Quy Nhơn thuận tiện trong giao thương quốc tế.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hiện có 305 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và container, với tổng số 1.314 xe được cấp phù hiệu (trong đó: 186 xe container, 237 xe đầu kéo và 891 xe tải) hoạt động vận tải trên địa bàn cả nước và quốc tế tại các tuyến quốd tế như Trung Quốc, Campuchia, Lào.
Cảng hàng không cấp 4C, khai thác các đường bay nối Pleiku đi/đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, do các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác.
Tuy nhiên, theo ông Sơn, do vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng phương thức đường bộ và chưa có các trung tâm logistics nên chi phí vận chuyển còn cao.
Chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay chiếm khoảng 20 - 25% tổng chi phí, cao hơn mức trung bình của cả nước tới 16,8%, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.
Một vấn đề khác đó là ngân sách tỉnh hạn chế, không đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển hệ thống giao thông, kinh phí cho công tác bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là hệ thống đường huyện, đường xã; mật độ quốc lộ/100km2, mật độ đường tỉnh/100km2 của tỉnh Gia Lai cũng thấp hơn rất nhiều mức trung bình cả vùng và mức trung bình của cả nước.
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, hiện các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh này có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như hỗ trợ bảo quản đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch lĩnh vực logistics vẫn đang giai đoạn triển khai. Mặt khác, nhận thức về khái niệm logistics vẫn mơ hồ trong doanh nghiệp. Năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc.
Hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ. Kết nối với Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh qua quốc lộ 19 còn ở dạng tiềm năng. Hơn nữa, đến nay tại tỉnh này vẫn chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng gồm cả các cảng cạn.
"Đến khái niệm logistics vẫn còn mơ hồ trong doanh nghiệp, vấn đề hạ tầng vẫn chưa đáp ứng theo nhu cầu thị trường thì vẫn là câu chuyện lớn để phấn đấu", ông Binh nói.
Hạ tầng tốt, liên kết vận tải sẽ kích cầu
Tỉnh Gia Lai kỳ vọng với vị trí thuận lợi trong mạng giao thông nên Gia Lai có cơ hội lớn trở thành trung tâm của vùng Bắc Tây Nguyên và cả vùng Tây Nguyên, là điểm kết nối giao thông Việt Nam với Lào, Campuchia và các nước châu Á, là trung tâm logistics của cả vùng. Vậy, với những hạn chế mà tỉnh này đang gặp thì câu chuyện phát triển sắp tới sẽ làm gì.
Đặt vấn đề về hạ tầng, ông Trần Đình Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho rằng, triển khai phát triển hạ tầng giao thông gắn với phát triển hạ tầng logistics cần chú trọng hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo các kết nối hỗ trợ quá trình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu kết nối hay ùn tắc giao thông.
Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng để kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm logistic, cảng cạn, cảng hàng không, các vùng hàng hóa trọng điểm trong địa bàn tỉnh và khu vực. Đảm bảo phát triển kết hợp giữa dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan.
"Đầu tư xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp chất lượng giao thông đường bộ, chú trọng đẩy nhanh triển khai các dự án lớn, có tính đột phá như: Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, cảng cạn ICD và trung tâm logistics, mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku; các tuyến đường kết nối vùng nhằm đạt mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo sự gắn kết liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường nội tỉnh. Ngoài hạ tầng, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giao thông vận tải để góp phần tạo thuận lợi thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh, ông Sơn nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh, giải pháp thời gian tới là cần hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics; chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics; cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics.
Ông ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, tỉnh này cần phải hoạch định chiến lược về phát triển dịch vụ logistics để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; chú trọng tổ chức không gian phát triển và bố trí quỹ đất hợp lý, tạo điều kiện phát triển hệ thống và các trung tâm logistics trên địa bàn.
Theo ông Hải, việc đầu tư hạ tầng bằng nguồn ngân sách cùng với gợi mở kinh tế sẽ cầu nối dẫn dắt, và là "mồi" trong thu hút các doanh nghiệp lớn thu hút tập đoàn lớn đầu tư vào Gia Lai.
"Gia Lai có các cửa khẩu, các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết với Capuchia sẽ là một trong những điều kiện tốt và hiệu quả trong phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển" ông Hải đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận