Các doanh nghiệp được phổ biến Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT, ngày 26/12/2013 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; văn bản số 12693/BGTVT-TCĐBVN, ngày 8/10/2014 của Bộ GTVT về việc tăng cường kiểm soát tải trọng từ các đầu mối xếp hàng hóa lớn, các mỏ vật liệu, kho hàng.
Ông Nguyễn Trung Tâm- Giám đốc sở GTVT Gia Lai cho rằng, trước khi thực hiện công tác kiểm soát tải trọng, hầu như 100% các xe quá tải, có xe vi phạm tới 100% tải trọng. Trong đó có nhiều trường hợp các lái xe cầm rất nhiều biên bản xử lý vi phạm tải trọng.
Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 12/2014, việc kiểm soát đã có những hiệu quả tích cực. Kết quả giám sát tải trọng và xử lý vi phạm từ 12/2013- 12/2014 đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử lý 11.793 trường hợp, vi phạm trên 5.000 trường hợp, phạt tiền gần 3,9 tỷ đồng, hạ tải trên 7.300 tấn hàng hóa, tước 1.174 giấy phép lái xe.
Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước tình hình về việc GSTT thì vẫn còn nhiều đơn vị vận tải đã cố tình cơi nới thùng sau khi đăng kiểm. Việc xử lý vi phạm tải trọng vẫn còn rất khó khăn. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ thực hiện đồng bộ 6 giải pháp trong GSTT.
Cũng theo ông Cường, trong thời gian tới, tất cả các phương tiện vận tải đều phải được kiểm soát. Giải pháp tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là đối với các doanh nghiệp đầu mối vận chuyển hàng hóa tại các mỏ vật liệu...
Cùng ngày, có 5/60 đơn vị vận tải tại Gia Lai đại diện ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép.
Trước đó, ngày 15/12 tại tỉnh Đắk Lắk có 20 doanh nghiệp cũng ký cam kết này.
Vĩnh Yên
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận