Giá vé giữ xe tăng gấp 5 và dịch vụ "để ngoài trời phơi nắng". |
"Dịch vụ" phơi nắng, dầm mưa
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương, UBND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định số 14/2017/QĐ Quyết định mức thu quy định giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Văn bản do ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký đang khiến các bậc phụ huynh cho rằng quá cao. Việc tăng phí giữ xe còn viện dẫn thực hiện theo Thông tư 25/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ - thông tư áp dụng trong bình ổn giá.
Áp dụng Quyết định trên, việc trông giữ xe với học sinh tăng lên đột biến từ 90.000 đồng lên 450.000 đồng/xe máy và từ 180.000 đồng so giá cũ là 36.000 đồng/xe đạp như trước đây. Trong khi cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, thậm chí việc thu phí giá cao hơn nửa học phí của năm thì những chiếc xe học sinh vẫn để ngoài sân trường phơi nắng dầm mưa.
Tại trường THPT Lê Lợi (TP Pleiku), mọi năm học sinh gửi xe chỉ phải đóng 90.000 đồng đối với xe máy (dung tích xi lanh 50cc) nhưng năm học 2017 -2018 mỗi học sinh nếu trông giữ ở trường phải đóng số tiền là 450.000 đồng. Đối với xe đạp tăng từ 36.000 đồng/năm lên 180.000 đồng/năm. Một học sinh tại trường THPT Lê Lợi khi được hỏi đã bày tỏ bức xúc: "Gía giữ xe tăng cao nhưng xe vẫn phải để ngoài trời, dưới những tán cây, vách tường như những năm trước".
Cũng tại cổng trường THPT Lê Lợi, nhiều em học sinh đã quyết định gửi xe ở các hộ gia đình lân cận với giá rẻ hơn. "Tụi em gửi ở ngoài vừa rẻ lại vừa thuận tiện". Ở một số ngôi trường khác tại TP. Pleiku nhiều em học sinh cũng "ưu tiên" gửi ở ngoài chỉ đơn giản là ... "rẻ".
Việc áp dụng giá trông giữ theo quy định của UBND tỉnh Gia Lai đã khiến cả nhà trường và phụ huynh đều không đồng lòng. Một phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) cho biết không "thích" mức đóng phí quá cao nên cho phép con mình gửi xe máy ở nhà quen.
"Con tôi ở xã xa nên sắm cho cháu chiếc xe máy để đi học cho tiện nhưng giá phí cao quá chịu không nổi". Sau câu trả lời của vị phụ huynh, PV đặt câu hỏi ngược lại: "Nếu không có nhà người quen gần trường thì chị làm thế nào? và người này đáp: "Thì cũng phải cắn răng mà cho tiền để cháu dắt xe vào trong trường gửi thôi!".
Tỉnh Gia Lai viện dẫn Thông tư 25 nhằm mục đích "bình ổn giá" đối với trông giữ xe ở trường học? |
Xe học sinh thuộc diện "bình ổn giá"!
Thầy Nguyễn Duy Dũng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Pleiku) cho biết: "Việc việc thu phí gửi xe cao nên nhiều em học sinh đã gửi xe bên ngoài. Việc này làm công tác quản lý xe trong nhà trường gặp nhiều khó khăn, bất cập mất an ninh trật tự và an toàn giao thông học đường".
Tương tự, thầy Nguyễn Văn Xuất - Phó Hiệu Trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang) cũng cho biết: "Gần đây, một nửa số em đã rút và xin gửi xe ở bên ngoài".
Liên quan đến việc đề nghị của Sở Công thương đối với việc thu phí trông giữ xe, PV tra cứu văn bản Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ nêu rõ tại điều 1, cụ thể: "Thông tư này quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá trong thời gian Nhà nước áp dụng các biện pháp để bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện hiệp thương giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá và thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá".
Tại Nghị định số 149/2016 ngày 11/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá. Theo đó, tại khoản 4, điều 8 trong văn bản chỉ nhắc đến chức trách của UBND tỉnh trong quyết định đối với phí trông giữ xe.
Gia Lai là tỉnh nghèo và có trên 40% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy nên, tỉnh cần phải khảo sát và cân nhắc lại vấn đề thu phí giữ xe của học sinh. Đó cũng là phần nào giảm gánh nặng đối với phụ huynh nhà trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận