UBND tỉnh Gia Lai cho biết, vừa yêu cầu các đơn vị trong toàn tỉnh báo cáo về các gói thầu có liên quan đến Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Nhà máy rác An Khê
Theo tài liệu của Báo Giao thông, một trong những công trình Công ty AIC đã đầu tư tại tỉnh Gia Lai gây nhiều tranh cãi nhất trong giai đoạn 2010 - 2021 là công trình đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải tại TX An Khê.
Năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ông Phạm Thế Dũng (nay đã nghỉ hưu) đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy xử lý rác thải với công suất xử lý 30 tấn/ngày. Dự án này được kỳ vọng giải quyết nhu cầu chế biến, xử lý rác thải cho TX An Khê và các huyện lân cận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 672A ngày 14/10/2011 của UBND tỉnh Gia Lai, dự án Khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại TX An Khê được triển khai xây dựng trên diện tích 1,3ha tại xã Song An. Ban đầu công trình này có tổng mức đầu tư hơn 99,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh do UBND TX An Khê làm chủ đầu tư.
Sau một số lần điều chỉnh mua sắm, đầu tư thêm một số hạng mục, công trình có tổng mức đầu tư là hơn 117 tỷ đồng. Khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt được xử lý theo công nghệ đốt rác của Cộng hòa liên bang Đức. Công ty AIC được chọn là đơn vị cung cấp gói trang thiết bị kỹ thuật, máy móc trị giá 86,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quá trình lắp đặt vận hành thử nghiệm dự án nhà máy rác trên đã xảy ra lỗi. Trước vụ việc bất thường trên, năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã vào cuộc kiểm tra toàn bộ quá trình thi công, nghiệm thu dự án. Kết luận vụ việc trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai xác định quá trình xây dựng, lắp đặt nhà máy đã có hàng loạt sai sót trong quá trình thực hiện dự án, cụ thể:
Trong tổng số 80,3 tỷ đồng giá trị thiết bị toàn nhà máy rác đã có gần 65 tỷ đồng thiết bị được nghiệm thu khống. Cụ thể: nghiệm thu khống khối lượng để thanh toán cho nhà thầu hệ thống lò đốt từ Đức, băng chuyền phân loại rác... với tổng trị giá gần 65 tỷ đồng.
Vào thời điểm trên, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai chỉ yêu cầu... kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tìm cách khắc phục.
Năm 2011, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, nâng cao chất lượng đồng bộ và hệ thống trong các cơ sở giáo dục phổ thông, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”.
Trên cơ sở đó, giai đoạn 2012 - 2015, Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành Giáo dục thuộc Sở GD&ĐT Gia Lai (nay đã giải tán BQLDA này) đã triển khai 4 dự toán và 1 dự án thuộc Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”; đấu thầu 5 gói để mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông. Theo đó, Công ty AIC trúng các gói thầu này với tổng giá trị hợp đồng trên 133,8 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai, từ năm 2013 - 2019, toàn tỉnh này có 45 trường phổ thông trực thuộc Sở được cấp 47 bảng tương tác thông minh với nhiều phiên bản (hiện có 12 bảng bị hỏng một hoặc một vài bộ phận); 392 trường tiểu học và THCS thuộc quản lý của phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố được cấp 470 bảng tương tác (có 110 bảng đã hỏng một hoặc một vài bộ phận).
Đáng chú ý, tháng 12/2021, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai (chủ đầu tư) phê duyệt chọn nhà thầu cung ứng thiết bị cho dự án nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường. Liên danh Công ty Cổ phần MOPHA, Công ty Cổ phần Uy tín Toàn Cầu và Công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ và thiết bị Phan Lê là đơn vị trúng thầu. Tổng giá trị gói thầu gần 122 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần MOPHA là công ty thành viên trực thuộc Công ty AIC.
Liên quan đến Công ty AIC, ông Nguyễn Văn Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh đang yêu cầu tất cả các địa phương, sở, ngành thống kê, báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị có liên quan đến Công ty AIC.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận