Từ lời tâm sự của người đồng đội bị hổ dữ cắn chết
Một lần đến Đắk Glei (huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum), vì tò mò, tôi quyết tìm bằng được già làng uy tín Hà Sĩ Thử, bởi khắp Tây Nguyên, người đồng bào có ai mang họ Hà đâu?
Gặp ông, cái chất giọng miền xuôi vẫn không lẫn vào đâu được. “Tôi từng đẹp trai hạng nhất Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội đó chú”, vị già làng nay đã 78 tuổi vừa nói vừa cười.
Thế rồi câu chuyện về cuộc đời cách mạng của già làng cứ hồn nhiên tuôn chảy như dòng sông Pô Kô ngày đêm xẻ đôi thị trấn Đắk Glei mà về với Thủy điện Sê San và Thủy điện Yaly.
Già kể: Năm 1965, với khí thế xẻ dọc Trường Sơn cứu nước, chàng trai Hà Sĩ Thử xung phong đi bộ đội. “Trước khi đi, các cụ ép tôi cưới vợ, nhưng tôi sợ mình hy sinh không về thì sau này vợ con khổ. Sau thời gian huấn luyện, tôi được biên chế vào Cục Hậu cần, thuộc Quân đoàn 3 và 10 năm trời cùng đơn vị gắn bó với đồng bào, chiến đấu trên vùng đất Tây Nguyên này”, cụ kể.
Khi được hỏi những kỷ niệm thời chiến tranh trên vùng đất Tây Nguyên, già làng nói nhiều lắm, kể mãi không hết. “Hy sinh vì súng đạn kẻ thù không biết sợ, không tiếc xương máu, nhưng hy sinh vì bị thú rừng ăn thịt mới đau sót làm sao”, già làng trầm ngâm.
Già làng nhớ lại: Năm 1973, đã có 2 đồng đội hy sinh vì bị hổ dữ cắn chết. Liệt sĩ Thoàng Cẩm Sáng (quê Cao Bằng) đêm đang ngủ trên võng tại trạm hành quân thì bị hổ tấn công. Nghe tiếng la thất thanh, cả đơn vị tỉnh giấc, chưa kịp hoảng hồn để lấy súng chiến đấu thì con hổ đã nhanh như cắt tha đồng chí vào rừng sâu mất hút. Khi đánh nhau với giặc anh em mạnh mẽ vô cùng nhưng tình huống này quá bất ngờ.
Đến trường hợp liệt sĩ thứ 2 bị hổ dữ vồ, anh em đã chủ động trực tiếp chiến đấu với con hổ để cứu đồng đội. Đó là liệt sĩ Hoàng Cẩm Hiền (cũng quê Cao Bằng). Anh em đang trên đường hành quân, lúc nghỉ giải lao đồng chí Hiền đi vệ sinh nên tách đoàn. Bỗng tiếng thét vang lên, cùng với tiếng gầm của hổ. Cả đơn vị lao tới hướng đó và nổ súng. Chạy được một đoạn gặp đồng chí Hiền nằm đó với vết cắt trên cánh tay. Lúc đó đồng chí Hiền vẫn tỉnh táo kể rằng: Con hổ đã ngậm chặt vai anh Hiền lôi đi và chỉ bỏ con mồi chạy vào rừng sâu khi nghe thấy tiếng súng.
Cứu được đồng đội nhưng vết thương hổ cắn rất độc. Chỉ một ngày sau đồng chí Hiền bị thối thịt hết cả cánh tay và vai. Tâm sự với đồng đội, anh Hiền bảo: “Tôi luôn ước muốn sau này giải phóng đất nước sẽ ở lại Tây Nguyên để bảo vệ bà con khỏi nanh vuốt của thú rừng”. Nhưng chỉ nửa ngày sau đồng chí Hiền ra đi…
Chiến tranh kết thúc, anh lính Hà Sĩ Thử được cử từ Sài Gòn về công tác tại Bình Thuận rồi Khánh Hòa. Nhưng mỗi lần buồn anh lại nhớ Tây Nguyên, nhớ những người đồng bào còn vô vàn gian khổ, lại còn bị phỉ quấy phá, bắn giết. Rồi những đêm nhớ đồng đội đã khuất, nhớ lời ước nguyện của liệt sĩ Hoàng Cẩm Hiền.
Năm 1977, một lần nữa Hà Sĩ Thử xung phong lên với Đắk Glei, nơi những đồng bào Tây Nguyên đánh giặc dưới cánh rừng xà nu. Khi đó, ông được giao những chức vụ gần dân, sát dân nhất để giúp đời sống dân phát triển khá hơn. Từ Chánh văn phòng Ban Dân vận huyện, năm 1990 chuyển về làm Chủ tịch xã Đắk Pét. Sau khi về hưu lại tiếp tục tham gia công tác Đảng, hội đoàn của thị trấn Đắk Glei. Năm 2011, ông được Ban Dân tộc tỉnh phong tặng danh hiệu “Già làng uy tín”.
Ước mơ chiếc cầu nối 2 bờ thị trấn Đắk Glei đang thành hiện thực
Huyện Đắk Glei nằm tại vị trí cửa ngõ phía Bắc vào Tây Nguyên, nơi có nhiều chiến tích chiến tranh, nơi có ngục Đắk Glei gắn với chiến tích vượt ngục của đồng chí Tố Hữu. Mảnh đất này cũng gắn với những cuộc chiến oai hùng của những người đồng bào Tây Nguyên, gắn với nhà văn Nguyên Ngọc với tác phẩm nổi tiếng Rừng xà nu. Thị trấn huyện Đắk Glei nằm ngay dưới chân đèo Lò Xo với con đường Hồ Chí Minh chạy qua. Thế nhưng, bao năm nay thị trấn vẫn bị chia cách đôi bờ bởi dòng sông Pô Kô. Một bên có đường Hồ Chí Minh chạy qua, một bên bao năm bị tách biệt. Giao thông kết nối chỉ có chiếc cầu treo 2,5 tấn được xây dựng từ những năm 1980, giờ đã cũ nên cấm các loại ô tô qua cầu.
Không chỉ có vậy, bờ Đông sông có đến 6 cơ sở giáo dục (Trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường THCS thị trấn, Trường THCS, Trung tâm Dạy nghề huyện). Theo quy hoạch năm 2010 của tỉnh Kon Tum, khu hành chính huyện sẽ nằm toàn bộ bên bờ Đông sông Pô Kô.
Đối với người dân ở đây, họ đang rất cần một chiếc cầu nối hai bờ sông để con đường thông thương thuận lợi hơn. Già làng Hà Sĩ Thử là người hiểu rõ về những vất vả của người dân bờ Đông sông Pô Kô. Theo già làng, ngày xưa nghèo, nhà tranh vách tre, cuộc sống người dân tự cung tự cấp đơn giản. Nhưng từ những năm 1980 trở lại đây, người dân bắt đầu xây nhà, làm đường liên thôn, nhưng dân vẫn phải cõng vật liệu qua sông. Giá thành vật liệu chênh lệch quá lớn. Đời sống của người dân 2 bên bờ sông chênh lệch hẳn. Không những vậy, đã có những tai nạn thương tâm khi người dân lội sông đi làm bị lũ cuốn trôi. Năm 2009, huyện có 3 trường hợp chết vì lũ rất thương tâm.
Theo già làng, chiếc cầu không chỉ là mong mỏi của người dân mà còn là những khắc khoải chưa hoàn thành đối với những lão thành cách mạng. Sau khi thống nhất đất nước, huyện Đắk Glei có đến 70 cán bộ như già làng được điều động lên xây dựng huyện, trong đó có 20 người bỏ về lại quê hương. Còn lại 50 người, nhưng nay chỉ 7 người còn sống. Tất cả những cán bộ nòng cốt ấy, trước khi nhắm mắt đều mong muốn huyện Đắk Glei phát triển xứng đáng là đô thị cửa ngõ Tây Nguyên. Ai cũng mong có được chiếc cầu nối hai bờ sông Pô Kô. Già làng cũng hy vọng có được chiếc cầu trước khi ông mất, để ông thắp hương báo cáo với đồng đội, những người cán bộ đã rời quê hương lên đây xây dựng mảnh đất Đắk Glei này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận