Nỗi lo chồng chất
Đến thời điểm này, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được hơn 4.200/4.725 ha mía, chiếm 90% diện tích xuống giống. Năm nay, lần đầu tiên nông dân trồng mía phấn khởi, vì giá mía tăng cao sau nhiều năm thua lỗ.
Nông dân trồng mía Hậu Giang rối bời nỗi lo niên vụ mới.
Tuy nhiên, niềm vui đó chưa được trọn vẹn thì nỗi lo đầu tư vụ mía mới lại khiến không ít nông dân lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Lành (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Hễ năm nào giá mía tăng, năm đó chi phí sản xuất vụ mới cũng đội lên vài phần. 1 ha mía của gia đình tôi vừa bán xong, trừ hết các khoản chi phí lãi chưa đến 20 triệu đồng, chỉ đủ để mua mía giống cho vụ sau, các khoản chi phí khác phải tiếp tục vay mượn.
Ở đây không trồng mía, nông dân cũng không biết trồng cây gì. Nhiều năm thua lỗ với cây mía, bà con không còn tiền để đầu tư cho việc chuyển đổi”.
Còn bà Nguyễn Thị Nương (xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp) thở dài: “Khu vực này được quy hoạch trồng mía, nông dân cũng đã liên liếp cải tạo đất để phù hợp canh tác loại cây trồng này nên hiện nay cũng khó tìm được cây trồng khác thay thế. Còn nếu tiếp tục gắn bó với cây mía thì phải chịu cảnh bán rẻ mà đầu tư ở mức cao”.
Theo bà Nương, nếu mọi năm, giá mía bán tại ruộng ở mức 900 đồng/kg thì khi đầu tư vụ mới, mía giống chỉ ở mức 1.500 đồng/kg, nhân công đào hộc ở mức 1.000 đồng/mét. Nhưng năm nay giá mía tại ruộng nhích lên được 1.100 đồng/kg thì chi phí mía giống và nhân công đào hộc cũng tăng lên đáng kể. Nông dân không tài nào chạy theo kịp.
“Gia đình tôi gắn bó với cây mía gần 20 năm, nhưng mỗi mùa vụ qua đi đều mang những nỗi buồn khác nhau. Cách đây khoảng 10 năm, giá mía tuy thấp nhưng tính ra người trồng mía vẫn có lãi. Bây giờ giá mía ở mức hơn 1.000 đồng/kg, nhưng chi phí đầu vào lại quá cao, tính ra người trồng mía không có lãi”, bà Nương tính toán.
Theo thống kê, trên những diện tích mía đã thu hoạch, nông dân ở huyện Phụng Hiệp đã bắt đầu xuống giống cho vụ mới. Giá mía giống được các thương lái chở từ huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, về bán lại cho nông dân trồng mía trong huyện với giá dao động từ 1.700-1.800 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Song song đó, chi phí nhân công đào hộc mía vụ này cũng ở mức 1.200-1.300 đồng/mét, tăng 300 đồng/mét so với mọi năm. Với tập quán sản xuất, một công mía trồng khoảng 1 tấn giống, có nơi ở mức 1,2 tấn. Năm nay, để xuống giống được một công mía, chi phí mía giống và nhân công đào hộc tương đương 4 triệu đồng, tăng gần 1 triệu so với năm trước. Với diện tích trồng mía hơn 4.500 ha năm nay, nông dân Phụng Hiệp phải gánh chịu chi phí tăng thêm 45 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp), cho biết: “Mới vào vụ sản xuất nhưng chi phí tăng cao khiến nông dân trồng mía năm nay cũng không mặn mà. Bởi ngoài chi phí mía giống, nhân công đào hộc tăng thì phân bón năm nay cũng tăng mạnh. Nếu chủ động giảm phân bón, năng suất mía sẽ bị giảm, đường nào nông dân cũng gặp khó”.
Hỗ trợ thế chấp bằng sản lượng mía
Để giúp nông dân chủ động trong sản xuất mía trong vụ mới, vừa qua Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã công bố chính sách đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu vụ 2021-2022 với diện tích khoảng 2.000 ha ở Hậu Giang và Kiên Giang, trong đó tỉnh Hậu Giang chiếm khoảng 1.800 ha.
Một điểm thu mua mía của nông dân, sau đó bán lại cho các điểm giải khát.
Theo đó, khi hộ dân trồng mía có nhu cầu thì đăng ký với Casuco, sẽ được công ty đầu tư bằng tiền hoặc hiện vật như cải tạo đất, giống mía và phân bón… và thế chấp bằng sản lượng mía giao cho nhà máy. Giá trị đầu tư quy đổi bằng tiền cho mía trồng mới không quá 58,2 triệu đồng/ha, mía trồng lại không quá 38,2 triệu đồng/ha và 26,2 triệu đồng/ha đối với mía lưu gốc.
Đến vụ, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía theo hợp đồng đã ký với giá bảo hiểm 1.000 đồng/kg mía sạch tại ruộng. Nếu giá mía thị trường cao hơn giá bảo hiểm, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua theo giá thị trường, ngược lại sẽ mua theo giá bảo hiểm.
Thời gian thực hiện các hợp đồng đầu tư bao tiêu từ tháng 11/2021 đến 4/2022. Thời gian vào vụ ép mía năm 2021-2022 sẽ bắt đầu và kéo dài từ tháng 10/2022 đến 1/2023.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, trong năm 2022, tỉnh sẽ quy hoạch và tổ chức lại sản xuất, đồng thời tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp với chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chủ yếu là bán mía nước… Diện tích trồng mía vụ này khoảng 4.000 ha, năng suất khoảng 100 tấn/ha, sản lượng đạt 400.000 tấn.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để giúp nông dân tiếp cận với các chính sách mới của nhà máy đường, thời gian qua ngành nông nghiệp huyện đã làm cầu nối để nông dân làm việc trực tiếp với doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đầu tư và bao tiêu”.
Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc liên kết với công ty, để tiết giảm chi phí ở những khu vực được quy hoạch, nông dân có thể chuyển từ việc trồng mía đường sang trồng mía làm nước ép để giảm chi phí nhân công thu hoạch.
Bên cạnh đó, quá trình sản xuất bà con cũng nên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía, sử dụng cơ cấu giống cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, bón phân cân đối theo từng giai đoạn phát triển của cây mía. Và ở thời điểm tuổi mía còn nhỏ bà con có thể áp dụng việc trồng xen cây màu để lấy ngắn nuôi dài, từ đó có thêm chi phí đầu tư cho cây mía.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận