Nợ nần chồng chất
Ngày 18/7, hãng tin Bloomberg đưa tin tổng số nợ của các công ty năng lượng châu Âu đã tăng hơn 50% lên tới mức 1,7 nghìn tỷ USD kể từ đầu đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020.
Hồi đầu tháng, một trong những công ty cung cấp năng lượng lớn nhất nước Đức là Uniper đã đề nghị chính phủ hỗ trợ do áp lực tài chính nghiêm trọng vì nguồn cung khí đốt từ Nga giảm.
Thậm chí từ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Uniper đã gặp khó khăn về tài chính do dao động mạnh về giá nhiên liệu buộc công ty phải vay 10 triệu Euro.
Ảnh minh họa. Ảnh - Getty
Tình trạng áp lực tài chính sẵn có cộng thêm giá khí đốt tăng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine khiến Uniper phải mua lượng lớn khí đốt tại thị trường giao ngay với mức giá đắt đỏ.
Bloomberg ước tính Uniper có thể cần khoản hỗ trợ 9 tỷ Euro để vượt qua tình trạng khó khăn về tài chính trong khi công ty năng lượng CEZ CP của Cộng hòa Séc đang tìm kiếm khoản hỗ trợ 3 tỷ Euro.
Các công ty năng lượng châu Âu đã huy động 45 tỷ Euro trái phiếu và vay nợ 72 tỷ Euro trong 6 tháng đầu năm, theo thông tin từ Bloomberg.
Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến giá khí đốt tiêu chuẩn tại châu Âu tăng gấp 8 lần trong 18 tháng qua còn giá dầu đắt hơn 50% trong năm qua. Giá nhiên liệu tăng mạnh đã đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao và đẩy lạm phát lên tới mức cao nhất trong nhiều thập kỷ tại nhiều quốc gia châu Âu.
Gazprom gửi một bức thư khiến khách hàng châu Âu lo sợ
Trong một diễn biến khác, ngày 18/7, theo thông tin độc quyền từ hãng tin Reuters, ngày 14/6, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom đã thông báo tình trạng bất khả kháng có thể không đảm bảo nguồn cung khí đốt cho khách hàng tại châu Âu.
Theo nội dung thư, Gazprom không thể hoàn thành các nghĩa vụ cung cấp khí đốt theo hợp đồng do tình huống đặc biệt. Việc thông báo tình trạng bất khả kháng không có nghĩa Gazprom dừng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu mà có thể giúp Gazprom tránh khỏi việc bồi thường nếu xảy ra gián đoạn nguồn cung.
Một nguồn tin giấu tên chia sẻ với hãng tin Reuters rằng bức thư đề cập tới nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức và một số quốc gia châu Âu khác.
Gazprom chưa phản hồi trước thông tin trên.
Gazprom tuyên bố tình trạng bất khả kháng về cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ảnh - Getty
Hiện đường ống Nord Stream 1 đang tạm ngừng hoạt động để bảo trì thường niên - quá trình dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21/7 tới. Tuy nhiên, một số khách hàng châu Âu của Gazprom quan ngại việc cung cấp khí đốt qua đường ống sẽ không được khôi phục khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây liên quan tới chiến sự Ukraine.
Ngày 18/7, một khách hàng của Gazprom là tập đoàn khí đốt và dầu mỏ OMV của Áo cho biết công ty kỳ vọng nguồn cung khí đốt từ Nga qua đường ống Nord Stream 1 sẽ được khôi phục theo kế hoạch.
Trước đó, hôm 14/6, Gazprom đã bắt đầu giảm lượng khí đốt vận chuyển sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 với lý do chậm trễ trong việc bàn giao bộ phận turbine quan trọng vốn đã được chuyển tới Canada để bảo dưỡng.
Ngoài ra, khí đốt cung cấp từ Nga cho châu Âu qua một số quốc gia trung chuyển như Ukraine hay Belarus cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận