Trước thềm năm học mới, giá sách giáo khoa (SGK), thiết bị, đồ dùng học tập là mối quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mới đây đã đề xuất kiểm tra việc có hay không lợi ích nhóm trong in ấn, phát hành SGK, đẩy giá lên cao.
Dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra một số bất cập, trong đó nhận định tiền chiết khấu lớn cũng có tác động đáng kể đến giá SGK.
Cụ thể, dự thảo báo cáo chỉ ra, mức chiết khấu cho các đơn vị đầu mối NXB phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với SGK là 29% giá bìa, sách bài tập 33%, sách giáo viên 15%; năm học 2022-2023 lần lượt là 28,5%, 35% và 15%.
Bộ sách "Cánh diều" của tư nhân theo chương trình xã hội hoá hiện có giá đắt nhất.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn, mức chiết khấu này có phải là nguyên nhân đẩy giá SGK tăng cao hay không?
Giải đáp câu hỏi này, Nhà xuất bản Giáo dục đã có giải trình. Theo đó, chiết khấu là khoản chi phí chi trả cho các đơn vị phát hành trong toàn bộ kênh phân phối để thực hiện khâu lưu thông, cung ứng sách từ kho của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tới tận tay học sinh trên mọi vùng miền trong cả nước.
Chi phí phát hành bao gồm: chi phí thuê kho bãi, chi phí vận chuyển – bốc xếp hàng hóa; chi phí phục vụ bán hàng và quản lý doanh nghiệp như nhân công, khấu hao tài sản cố định, chi phí cho cửa hàng bán lẻ…
Còn chi phí thứ hai là chi phí triển khai thị trường chỉ xuất hiện đối với SGK theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong bối cảnh một chương trình nhiều SGK.
Chi phí này bao gồm các khoản chi cho công việc: Hội thảo giới thiệu sách tại địa phương, tập huấn sử dụng sách giáo khoa, tuyên truyền, quảng cáo… Cộng cả hai chi phí này đã tạo nên con số chiết khấu.
Theo nhà xuất bản này, chi phí chiết khấu và chi phí triển khai thị trường được kê khai, tách bạch thành hai khoản mục trong phương án kê khai giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Thực tế, chiết khấu lưu thông của Nhà xuất bản Giáo dục trong bảng kê khai giá năm 2023 là 21%, giảm 1,5% so với năm trước. Để giảm chi phí vận chuyển, đơn vị đã chia thị trường phát hành thành 4 khu vực và giao cho các đơn vị công ty sách - thiết bị giáo dục miền (Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) làm đầu mối tập kết, cung ứng tại từng khu vực.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một đơn vị làm sách cũng cho biết: Chiết khấu là chi phí dành cho việc phát hành sách đến tay người tiêu dùng cuối cùng, bao gồm: chi phí cho khâu lưu thông, cung ứng, triển khai thị trường…
Theo đơn vị này, các yếu tố tác động đến biến động giá sách là công của nhà xuất bản; giá giấy, điện, khấu hao máy móc của nhà in; công của mạng lưới phân phối, xuất bản và phát hành…
Trong đó, chiết khấu được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.
Vị này cho biết thêm, tại thị trường sách Việt Nam, tên hiệu nhà xuất bản, tên tuổi tác giả không ảnh hưởng nhiều đến giá sách; nhuận bút chỉ chiếm tỷ lệ 15-16% trong giá thành và 10-12% trong giá bán lẻ.
Sau 4 năm xã hội hóa SGK, cả nước có 6 NXB và 3 tổ chức biên soạn sách.
Hiện, trên thị trường có 3 bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đưa vào giảng dạy gồm có, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo” và bộ “Cánh diều”.
Trong đó, bộ “Cánh diều” đang có giá đắt nhất, được phát hành bởi Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản và thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).
Cụ thể, bộ này có giá 230.000 đồng đối với sách lớp 4, 268.000 đồng đối với lớp 8 và 370.000 đồng đối với lớp 11. Giá bán của các bộ SGK lớp 4 và lớp 8 chưa bao gồm giá sách tiếng Anh; giá SGK lớp 11 chỉ bao gồm giá sách của 6 môn bắt buộc, trừ sách tiếng Anh và giáo dục địa phương.
Trong khi, theo chương trình cũ, bộ SGK lớp 4 (9 quyển) chỉ có giá 87.000 đồng.
Thực tế cho thấy, VEPIC - đơn vị tư nhân đầu tiên làm bộ SGK “Cánh diều” chuyển từ lỗ sang lãi đậm ngay năm đầu tiên (2020) tham gia biên soạn, phát hành SGK. Cụ thể, so với giai đoạn 2017-2019 (doanh thu 4-6 tỷ đồng mỗi năm, lỗ sau thuế hàng chục tỷ đồng) thì năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng khoảng 123 lần (ngưỡng gần 616 tỷ đồng, lãi sau thuế 46 tỷ đồng).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận