Giá sữa vẫn cao dù nhiều tháng qua giá nguyên liệu đầu vào đã giảm |
Theo tính toán của chị, giá trung bình một hộp sữa bột 900 gr mua tại Đức chỉ hơn 100.000 đồng (quy đổi tương đương), tính cả chi phí vận chuyển về đến Việt Nam, loại đắt nhất cũng chưa đến 200.000 đồng/hộp. Trong khi đó, cũng với trọng lượng này, sữa bột trẻ em tại Việt Nam dao động từ 4-6 trăm ngàn đến cả triệu đồng/hộp tùy thương hiệu.
Quả thật, rất nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế đã đưa ra nhận định: Giá sữa tại Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới. Không chỉ sữa bột nhập khẩu, sữa tươi sản xuất trong nước cũng rất đắt đỏ: Trên 30.000 đồng/lít sữa tươi (quy đổi tương đương 1,3-1,4 USD/lít) trong khi giá sữa châu Âu, châu Mỹ trung bình chỉ 0,5-0,9 USD/lít.
Khoảng cách về giá này càng nhân lên gấp bội nếu đem so sánh thu nhập trung bình của người dân Việt Nam với các quốc gia nói trên. Đơn cử như Mỹ, với thu nhập bình quân theo đầu người gấp hơn 30 lần Việt Nam, trong khi giá sữa ở Việt Nam đắt hơn 1,5 lần. Một người dân Mỹ có thể mua được 50.000 lít sữa/năm, nhưng người dân Việt Nam chỉ có thể mua được 1.000 lít/năm.
Trong khi đó, Việt Nam hiện vẫn nằm trong 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cao nhất thế giới. Số liệu năm 2012-2013 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng/cân nặng/tuổi hơn 16%; suy dinh dưỡng về chiều cao/tuổi 26,7%; chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam cũng thấp hơn từ 10-13cm so với chuẩn thế giới.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chế độ dinh dưỡng, trong đó có nguồn dinh dưỡng quan trọng từ sữa. Tuy nhiên, với giá sữa vào hàng cao chót vót như phân tích ở trên, người dân Việt Nam không phải ai cũng có tiền để mua sữa cho con uống đều đặn hàng ngày. Do vậy, việc cải thiện chiều cao, sức khỏe, trí tuệ… của thế hệ tương lai vẫn là một thách thức lớn, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý về giá cả khi để giá sữa liên tục tăng và neo ở mức cao.
Thế nên, khi giá nguyên liệu thế giới giảm liên tục, giá bán sữa trong nước vẫn giữ ở mức cao với lý do nguyên liệu chỉ là một yếu tố cấu thành giá sữa là khó chấp nhận. Một số đợt thanh tra của Bộ Tài chính tại một số hãng sữa đều cho thấy các doanh nghiệp này đã đổ quá nhiều tiền vào quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị… vượt khung quy định khiến giá bán bị đẩy lên cao.
Với mỗi doanh nghiệp, ngoài mục tiêu lợi nhuận, còn có trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp sữa, khi trách nhiệm xã hội không được đề cao, các cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt, để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và cũng là góp phần đảm bảo sức khỏe, trí lực cho cả một thế hệ tương lai.
Xuân Thu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận