Trong đại dịch Covid-19, những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn.
Đáng nói, nhiều nạn nhân cho biết họ không biết phải tìm tới đâu để được hỗ trợ và bảo vệ.
Nạn nhân bạo lực có thể được hỗ trợ trực tuyến trên Facebook (Ảnh minh hoạ)
Gia tăng cả tần suất lẫn mức độ
Mới đây, chia sẻ khảo sát đối với 300 phụ nữ tại Hà Nội về vấn đề bạo lực gia đình trong bối cảnh Covid-19, bà Khuất Thu Hồng, Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới tại Việt Nam cho biết, có tới 99% phụ nữ thừa nhận thời gian diễn ra dịch bệnh cũng là lúc gia đình xuất hiện nhiều mâu thuẫn, trong đó phần lớn nguyên nhân do người chồng gây ra; 88% nói bị bạo lực tinh thần khi thường xuyên bị chồng hành hạ, dằn vặt, xúc phạm; hơn 80% cho biết luôn luôn bị chồng kiểm soát, cảm thấy nặng nề; hơn 25% phải chịu đựng bạo lực tình dục…
“Đáng nói, có khoảng 60% phụ nữ cho biết, con cái mình phải chứng kiến cảnh bố bạo hành với mẹ và đây mới chính là điều khiến họ cảm thấy đau đớn nhất. Hơn 50% cho hay họ không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu nhất là trong bối cảnh phải cách ly xã hội. Nhiều người trong số đó đã muốn tự kết liễu đời mình. Có người kể đã đi ra sông mấy lần nhưng khi nghĩ tới con nhỏ lại quay về và cảm thấy vô cùng khổ sở với cuộc sống luôn bị hành hạ, đọa đầy…”, bà Hồng kể lại.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài hỗ trợ nạn nhân bạo lực 1900969680 đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết, nếu tính riêng số trường hợp được tham vấn về bạo lực gia đình đã tăng gần 60% so với năm 2020 và tăng hơn 230% so với năm 2019.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, 30% các cuộc gọi vào tổng đài là cuộc gọi yêu cầu giải cứu khẩn cấp do bị bạo lực gia đình của các phụ nữ tỉnh khu vực miền Nam.
Tại Hà Nội, Ngôi nhà Bình Yên đã tiếp nhận, hỗ trợ 74 trường hợp, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2020 (54 người). Ngôi nhà Bình Yên tại Cần Thơ hỗ trợ 12 người tạm trú, tăng 266% so với năm 2020 (6 tháng đầu năm 2020, tiếp nhận mới 3 người tạm trú).
“Bạo lực gia đình dù ở mức độ nhẹ hay nặng đều gây ra những tổn thương không mong muốn tới nạn nhân. Trong đại dịch Covid-19, những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn”, bà Linh cho biết.
Nạn nhân bạo lực lên Facebook cầu cứu
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), vấn đề bạo lực đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn trong đại dịch và đòi hỏi những ứng phó khác biệt.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Văn phòng hỗ trợ người bị bạo lực của CSAGA đã tiếp nhận và xử lý tổng cộng 1.268 cuộc tư vấn thông qua các hình thức khác nhau, bao gồm cả tư vấn qua đường dây nóng và tư vấn qua tin nhắn trên Facebook.
Trong số đó, 56,1% các cuộc tư vấn là các ca khẩn cấp và ca cần được hỗ trợ lập tức trong đêm.
“Trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi người bị bạo lực có thể đang “mắc kẹt” trong chính ngôi nhà của họ cùng với người gây bạo lực, thì hình thức tư vấn qua nhắn tin trên Facebook đã phát huy tính hiệu quả của nó. Cụ thể, thống kê các trường hợp tư vấn qua tin nhắn, có tới 75,9% là các vụ việc liên quan tới bạo lực với phụ nữ trong gia đình”, bà Vân Anh nói và nhấn mạnh: “Bạo lực không chờ đợi các dịch vụ hỗ trợ sẵn sàng rồi mới xảy ra. Vậy nên chúng ta cần liên tục thay đổi để hỗ trợ kịp thời người bị bạo lực trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Hơn 1 năm gây dựng, mới đây, Messenger Bot Yêu thương và Tự do đã chính thức ra mắt.
Đây là công cụ hỗ trợ trực tuyến trên nền tảng Messenger đầu tiên được Facebook trực tiếp xây dựng tại Việt Nam, cũng là một trong những giải pháp sáng tạo, tận dụng lợi thế công nghệ và cách tiếp cận trực tuyến để hỗ trợ người bị bạo lực, đảm bảo tính kịp thời và liên tục.
Với các tính năng trả lời tự động, phân loại nhu cầu của người dùng và cung cấp các kiến thức, chỉ dẫn cơ bản để ứng phó với bạo lực, Messenger Bot Yêu thương và Tự do đang được kích hoạt trên Fanpage cùng tên.
Ứng dụng có giao diện trò chuyện gần gũi như những người bạn, hoạt động từ 8-21h hàng ngày, người dùng chỉ cần đăng nhập để được tư vấn qua chat hoặc gọi điện miễn phí trực tiếp với chuyên viên tư vấn về bạo lực giới.
Để thuận tiện phục vụ, người cần hỗ trợ có thể lên lịch hẹn giờ chat hoặc gọi điện; có thể ẩn danh hoặc xoá nội dung hội thoại theo yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn, bí mật...
“Công cụ này còn đặc biệt hữu ích với các trường hợp người bị bạo lực là người khuyết tật hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp. Cụ thể, tháng 8 vừa qua, trong đợt giãn cách xã hội vì làn sóng Covid-19 thứ 4, thông qua Messenger bot, CSAGA đã tiếp nhận và hỗ trợ một trường hợp khách hàng miền Tây là người khuyết tật giọng nói bị bạo hành bởi cha dượng, bị đe dọa sự an toàn và tổn thương về tinh thần. Khách hàng đã chia sẻ được câu chuyện của mình và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn tâm lý từ chuyên viên của CSAGA. Vụ việc cũng đã được kết nối tới công an địa phương để xử lý”, bà Vân Anh chia sẻ.
Theo khảo sát quốc gia về bạo lực với phụ nữ do Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc thực hiện, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30 - 300%.
Các cơ sở y tế thường là nơi đầu tiên tiếp nhận các nạn nhân bị bạo lực giới, do đó vai trò của công tác xã hội tại các cơ sở này là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới và công tác xã hội trong bệnh viện chưa có sự kết nối và cơ chế phối hợp còn nhiều bất cập.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận