Bệnh Kawasaki ở trẻ nhỏ rất khó phát hiện sớm và dễ bị nhầm lẫn với bệnh khác |
Dễ nhầm lẫn với các bệnh khác
Ngày 11/5, BS. Nguyễn Minh Đức, Khoa Hồi sức cấp cứu tim mạch (BV Nhi T.Ư) cho hay, nơi đây đang điều trị ba bệnh nhi mắc Kawasaki; Trước đó, vừa có hai bệnh nhân mới được xuất viện. “Căn bệnh này thông thường xuất hiện rải rác, không theo đợt nhưng trong tháng qua có dấu hiệu gia tăng đột biến”, BS. Nguyễn Minh Đức nhận định.
Được biết, Kawasaki là bệnh sốt có mọc ban cấp tính kèm viêm lan tỏa hệ mạch máu vừa và nhỏ chưa rõ căn nguyên, thường gặp ở nhũ nhi và trẻ dưới 5 tuổi. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là trẻ sốt kéo dài 5 ngày trở lên, kèm theo tổn thương động mạch vành nhưng không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán. Chính vì thế, rất dễ nhầm với các bệnh lý tương tự như: Nhiễm khuẩn máu, nhiễm tụ cầu trùng, liên cầu nhóm A, hội chứng Stevens-Johnson, phản ứng dị ứng thuốc, nhiễm virus như sởi, sốt xuất huyết, sốt phát ban nhiệt đới có bội nhiễm... “Đáng chú ý, với những bệnh nhân mắc Kawasaki, một số có khả năng tự hết sốt khiến nhiều bậc phụ huynh chủ quan. Tuy nhiên, hậu quả có thể âm thầm để lại, đặc biệt là gây ra các tổn thương tim, đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân sau này. Do đó, khi phát hiện trẻ sốt, đặc biệt kéo dài, các gia đình không nên chủ quan dẫn đến việc bỏ sót bệnh và phải đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời”, BS. Đức cảnh báo.
Ngồi thất thần bên con trai hơn bốn tháng tuổi, chị N.T.L. (Hải Dương) chia sẻ: “Ở nhà, tôi chỉ nghĩ con trai bị sốt virus mà không ngờ khi nhập viện, các bác sĩ phát hiện cháu bị biến chứng nguy hiểm, động mạch vành đã bị dãn, ảnh hưởng đến tim”. Theo chị L., cách đây nửa tháng, con đột ngột sốt cao và kéo dài. Dù uống thuốc hạ sốt nhưng chỉ sau 2 - 3 tiếng, nhiệt độ cơ thể lại lên tới 38,5 - 39,5OC. Sau ba ngày không cắt sốt, bé bị phồng rộp đầu lưỡi nên bắt đầu bỏ bú mẹ và thường xuyên quấy khóc. Lúc này, gia đình mới tá hỏa đưa cháu vào BV Đa khoa tỉnh để điều trị. Sau khi nhập viện, do nghi ngờ cơ thể phản ứng vì bị nhiễm khuẩn nên cháu được các bác sĩ cho truyền kháng sinh. Tuy nhiên, các triệu chứng sốt cao, rộp miệng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau hai ngày điều trị, BV kết luận cháu bị mắc bệnh Kawasaki và phải chuyển lên BV Nhi T.Ư để điều trị. Tới thời điểm này, do cơ thể kháng thuốc nên sau khi truyền thuốc đặc trị, con trai chị L. vẫn tiếp tục sốt cao khiến các bác sĩ phải truyền thuốc lần thứ hai. Lúc này, toàn bộ vùng da ở đầu ngón tay và đầu ngón chân của cháu bé đều bị bong tróc, mu bàn chân, bàn tay sưng đỏ.
Vẫn là một căn bệnh bí ẩn
Một trong những biến chứng thường gặp nhất của Kawasaki là bệnh nhân bị tổn thương động mạch vành, khiến động mạch vành bị giãn, thậm chí phình to. Ngoài ra, có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây bệnh viêm gan, vàng da, men gan tăng hay viêm màng não và viêm tim… Còn nhớ, năm 2016, BV Nhi T.Ư tiếp nhận một trường hợp nhập viện sau khi sốt kéo dài hơn 10 ngày. Bên cạnh các biểu hiện điển hình, khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện động mạch vành của trẻ bị phình to và có cục máu đông. Do nhập viện quá muộn nên trẻ đã tử vong vì nhồi máu cơ tim.
Bệnh Kawasaki được chẩn đoán từ năm 1961 tại Nhật Bản và xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 90, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tới nay, Kawasaki không còn được xem là căn bệnh hiếm ở Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh từ 50 - 100 trẻ/100 nghìn trẻ, còn tại BV Nhi T.Ư, con số này là 80-100 trẻ/năm. |
Theo BS. Cao Việt Tùng, Trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch (BV Nhi T.Ư), Kawasaki tới nay vẫn còn là một “bí ẩn” đối với giới y học. “Phần lớn căn nguyên chỉ dừng lại ở giả thiết và không có loại xét nghiệm đặc hiệu. Để kết luận bệnh nhân mắc căn bệnh này phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng, với 6 biểu hiện bệnh. Cụ thể, trẻ sốt liên tục trên 5 ngày; Có phát ban ở thân, chi, mặt; Mắt có triệu chứng đỏ, viêm kết mạc và gỉ; Lưỡi đỏ, nổi gồ như quả dâu tây; Có hạch cổ sưng to; Đầu chi đỏ, phù sưng mọng, giai đoạn muộn có thể bong da”, BS. Tùng nhận định.
Trước tình trạng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì căn bệnh Kawasaki trong thời gian qua, nhiều phụ huynh lo ngại bệnh có nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, theo BS. Tùng, hiện chưa có bằng chứng nào về việc Kawasaki có thể lây nhiễm, truyền từ người qua người. “Tại Nhật Bản, bệnh thường xuất hiện vào mùa đông - xuân nhưng ở Việt Nam lại rải rác. Còn tại BV Nhi T.Ư, trong những năm trước, bệnh thường xuất hiện nhiều hơn vào thời điểm tháng 9 và tháng 10”, BS. Tùng nói.
Được biết, tại BV Nhi T.Ư, các bệnh nhân mắc Kawasaki hiện đang được điều trị bằng phương pháp truyền IVIG (Immuno Globuline tĩnh mạch) và đem lại hiệu quả cao nhất khi sử dụng vào thời điểm sau 6 ngày và trước 10 ngày kể từ thời gian trẻ bắt đầu sốt. “Các nghiên cứu cho thấy, điều trị bệnh trước 6 ngày sẽ dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc cao. Điều trị bệnh đúng thời điểm, tuy không thể giảm 100% các biến chứng, song sẽ làm giảm tỷ lệ mắc tổn thương động mạch vành hoặc làm tăng khả năng phục hồi bệnh”, BS. Tùng thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận