Bạn cần biết

Gia tăng hành hung bác sĩ đang cấp cứu người bệnh

11/06/2018, 07:21

Thống kê cho thấy, 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu người bệnh...

16

Người nhà hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul (Hà Nội)

Hành hung bác sĩ chủ yếu ở BV tuyến tỉnh

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều vụ lăng mạ, hành hung tấn công cán bộ y tế đã liên tiếp diễn ra. Mới nhất, trường hợp bác sĩ Hồng Chiến trực tại BV ĐK Saint Paul trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương cho bé trai 7 tuổi đã bị người nhà bé trai hỏi liên tục rồi bất ngờ đấm vào mặt. Một đồng nghiệp của bác sĩ vào can ngăn cũng bị mắng chửi. Sự việc chỉ dừng lại khi có lực lượng công an xuất hiện.

Trước đó, ngày 8/4, BS. Nguyễn Đình Phi (Khoa Nhi, BV Đa khoa Hà Tĩnh) trong lúc đang thăm khám cho bệnh nhi Nguyễn Phúc Đạt (14 tháng tuổi) bị sốt cao cũng bị người nhà bệnh nhi xông đến túm cổ áo, đấm thẳng vào mặt. Sau khi đánh BS. Phi vỡ kính, choáng váng ngã xuống sàn nhà, người này tiếp tục đánh bất tỉnh thực tập sinh Trần Nhật Giáp.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (C64 - Bộ Công an) đang hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Khi được chính thức ký kết, đây sẽ là căn cứ chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh ký kết, phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trên địa bàn, phòng chống hiệu quả nguy cơ xảy ra bạo hành trong bệnh viện. 

Còn tại BV Sản Nhi Yên Bái, vào tháng 2, BS. Phạm Hải Ninh (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) và BS. Hoàng Đức Trung (Khoa Sản) cũng đã bị chồng sản phụ cùng người nhà hành hung dã man, gây thương tích nặng. Nguyên nhân chỉ vì các bác sĩ nhắc nhở người nhà sản phụ không được trèo qua lan can quay phim, chụp ảnh quá trình sinh nở của sản phụ…

Là người từng bị bạo hành khi đang cứu chữa bệnh nhân, BS. Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Saint Paul đã chia sẻ, bệnh nhân và người nhà mang nhiều nỗi bức xúc đến bệnh viện nhưng không vì thế mà được phép hành hung bác sĩ. "Chúng tôi vẫn thường nói với nhau rằng, ngày nào bước chân ra khỏi bệnh viện mà bác sĩ chưa bị đánh thì ngày đó mới được coi là an toàn", BS. Phúc cho biết.

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, GS. TS. Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng: “Những hành động bạo hành nhân viên y tế rất đáng lên án nhưng không chỉ đơn thuần xuất phát từ một phía, mà đằng sau đó còn có thể liên quan đến các nguyên nhân khác. Vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực hoặc do ảnh hưởng của rượu, bia, chất kích thích ở một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân của một số y, bác sĩ, nhân viên y tế còn chưa hợp lý...”.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 - 2017, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến T.Ư chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%).

Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

Giải pháp nào bảo vệ thầy thuốc?

Theo PGS.TS. Phạm Thanh Bình, Phó chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, ở góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ y tế, cần bổ sung vào luật, cần xem như đây là một rủi ro nghề nghiệp. Cán bộ y tế cần phải được bảo vệ như là người thi hành công vụ giống với các lực lượng công an, bộ đội....

Thêm vào đó, cần có hướng dẫn các tổ chức công đoàn về quy trình giải quyết khi xảy ra bạo hành y tế một cách nhanh chóng. Đồng thời, các hội nghề nghiệp cũng cần lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này để bảo vệ thầy thuốc. Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng phải cam kết tạo điều kiện thuận lợi và môi trường làm việc an toàn cho nhân viên y tế yên tâm làm việc....

PGS.TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đại học Y Hà Nội cho rằng, tạo môi trường bệnh viện tốt cũng góp phần giảm nạn bạo hành. Đơn cử trong ngày hè nóng nực thế này, các BV cần bố trí phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, quạt mát... sẽ phần nào giảm áp lực, tạo tâm lý thoải mái hơn. “Tại khoa cấp cứu cần thiết phải có lực lượng công an đứng gác, túc trực cùng các y, bác sĩ để các đối tượng dù muốn hành hung cũng phải dè chừng và khi xảy ra các vụ xô xát sẽ có lực lượng công an trấn áp ngay...", ông Hải đề xuất.

Bên cạnh đó, đào tạo tốt về nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ bệnh viện, xây dựng đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó sự cố xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn y, bác sĩ, nhân viên y tế nhận dạng, phòng ngừa các tình huống bạo hành có thể xảy ra... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.