Báo Giao thông trao đổi với ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội về các giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Ông Ngô Mạnh Tuấn
Tăng mạnh phương tiện cá nhân tham gia giao thông
Ngay trong những ngày đầu Hà Nội nới lỏng giãn cách, trên nhiều tuyến đường mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến, ùn ứ nghiêm trọng cả sáng và chiều. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là gì, thưa ông?
Trong khoảng 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách, lưu lượng các phương tiện giao thông giảm.
Tuy nghiên, bắt đầu từ 6h ngày 21/9, thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 15 của Chính phủ, mật độ giao thông tăng cao dẫn đến ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường.
Ùn tắc xảy ra cục bộ tại một số điểm một phần là do các phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa được hoạt động, phương tiện cá nhân tăng cao hơn trước.
Ngoài ra, cũng có một phần do ý thức của người dân, sau một thời gian dài ít tham gia giao thông.
Tại một số tuyến đường có các chốt kiểm soát, do những người đi xe cá nhân ra khỏi Hà Nội phải dừng lại để thực hiện xuất trình giấy tờ theo quy định nên cũng xảy ra ùn ứ.
Dù nới lỏng giãn cách song dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Những hình ảnh ùn tắc hàng dài trên đường vào giờ cao điểm, hay những dòng xe cộ đổ ra đường vào đêm Trung thu tiềm ẩn nguy cơ rất cao, Sở GTVT có lường trước điều này?
Sau nới lỏng giãn cách xã hội, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh của một bộ phận người dân.
Nhiều người không thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, tập trung đông người tại các khu vực công cộng trong đêm Trung thu trên nhiều tuyến phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng xấu đến thành quả, sự cố gắng, nỗ lực trong phòng chống dịch của thành phố.
Để chấn chỉnh tình trạng lơ là, mất cảnh giác trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 515 UBND ngày 23/9 chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng Chỉ thị 22 của thành phố.
Tại các chốt cửa ngõ ra - vào thành phố, nhất là chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ thường xuyên bị ùn tắc do nhiều người ở địa phương khác hiểu nhầm Hà Nội nới lỏng giãn cách, được ra vào tự do. Vì sao lại có sự hiểu nhầm này, thành phố đã triển khai việc tuyên truyền ra sao, thưa ông?
Thực hiện Chỉ thị 22, Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Về việc kiểm soát người ra, vào thành phố tại 22 chốt kiểm soát, lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã có trao đổi với báo chí về các điều kiện quy định người dân phải đáp ứng khi ra, vào qua các chốt kiểm soát.
Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa tìm hiểu kỹ, cho rằng “nới lỏng sẽ được đi lại tự do”.
Huy động lực lượng phân luồng, cải thiện hạ tầng giao thông
Trên nhiều tuyến đường xảy ra ùn tắc kéo dài sau nới lỏng (Chụp tại đường Láng)
Trước thực trạng trên, trong những ngày qua, Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan chức năng đã triển khai những giải pháp gì để hạn chế ùn tắc, thưa ông?
Để hạn chế ùn tắc, đồng thời thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng CSGT, công an, quân đội, y tế, chính quyền các địa phương tiến hành chốt trực 24/24h trong ngày; phân luồng, hướng dẫn đảm bảo trật tự ATGT, kiểm soát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới tại 22 chốt trực cửa ngõ.
Chúng tôi cũng bổ sung lực lượng tại 6 chốt trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn; đồng thời huy động 164 cán bộ, công chức, thanh tra viên, nhân viên trong một ngày trực, phối hợp với CSGT tại các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để điều tiết phân luồng.
Về lâu dài, TP Hà Nội triển khai những giải pháp chủ yếu gì để kéo giảm ùn tắc bền vững? Việc cấm xe máy, thu phí vào nội đô với ô tô, phát triển giao thông công cộng... đang được tính toán và xây dựng lộ trình, thực hiện ra sao, thưa ông?
Kéo giảm ùn tắc giao thông là vấn đề được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; tuyên truyền; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý điều hành giao thông.
Ngày 23/9, tại kỳ hợp thứ 2, HĐND thành phố Khóa 16 nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua chủ trương đầu tư một số công trình dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở cho các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Cùng đó, thực hiện Nghị quyết 04 về việc phê duyệt đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, kéo giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch đảm bảo đồng bộ các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự ATGT. Sở GTVT cũng đang tập trung tham mưu UBND thành phố để sớm thực hiện các nội dung của đề án trên.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận