30% trường hợp vô sinh do nạo hút thai
Sáng thứ Sáu, hàng ghế hai bên hành lang Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện đông nghịt người ngồi chờ khám.
BS. Trịnh Văn Du cho hay, chỉ nhìn vào lượng bệnh nhân tới khám mỗi ngày cũng đủ thấy tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng.
BS. Trịnh Văn Du, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội khám cho 1 ca hiếm muộn
Đáng lưu ý là vô sinh thứ phát ở các cặp vợ chồng trẻ chưa có con cũng đáng báo động, mà nguyên nhân đáng tiếc là từ hệ lụy nạo phá thai trước đó.
Chị P.Q.M (SN 1988) tìm đến Trung tâm để chuẩn bị cho lần thứ 2 thực hiện thụ tinh ống nghiệm với mong mỏi có con sau nhiều năm lập gia đình.
Chị M. được chẩn đoán vô sinh thứ phát với nguyên nhân xác định do tiền sử nạo hút thai, gây tắc vòi trứng, khó có thai tự nhiên.
Trước đó, chị đã từng 4 lần chuyển phôi tại một cơ sở y tế khác, tuy nhiên bất thành vì thai không đậu. Lần này, chị M. lại tiếp tục tìm đến BV Bưu điện để thực hiện thụ tinh ống nghiệm với hy vọng sớm có một mụn con.
Một mình tìm đến Trung tâm Hiếm muộn, BV Bưu điện khám với nguyện vọng sinh con sau 2 năm lập gia đình, cô gái trẻ tên T.T.T (SN 1999) chia sẻ với bác sĩ, thời sinh viên đã có 2 lần nạo hút thai.
Tại đây, sau khám, T. ngã ngửa khi biết kết quả chẩn đoán vô sinh vì dính buồng tử cung do hậu quả hút thai. T. cũng bày tỏ mong muốn bác sĩ giữ bí mật về nguyên nhân gây vô sinh với chồng mình.
Sau đó T. được chỉ định mổ gỡ dính buồng tử cung, tắc vòi trứng hai bên. Tuy nhiên muốn có thai, T. phải thụ tinh ống nghiệm.
Theo BS. Du, cách đây 10 năm, tỷ lệ vô sinh thứ phát ngang với vô sinh nguyên phát nhưng hiện nay tỷ lệ chênh lệch 60 - 40. Trong tổng số bệnh nhân vô sinh, khoảng 30% có nguyên nhân tiền sử nạo phá thai.
Riêng với vô sinh do vòi tử cung như viêm tắc, ứ dịch vòi trứng cứ 100 ca vô sinh có tới 40 người gặp vấn đề này; đáng nói, có tới 70% có tiền sử nạo phá thai.
Vô sinh được phân loại thành vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát. Vô sinh nguyên phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng mà người vợ chưa có thai lần nào. Vô sinh thứ phát là tình trạng vô sinh ở những cặp vợ chồng đã từng sinh con (hoặc mang thai, kể cả những lần thai bị sẩy).
Nhiều hệ lụy nguy hiểm
Liên quan đến những hệ lụy từ nạo phá thai đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, BS. Du cho biết, việc này có thể khiến tổn thương buồng tử cung dẫn đến dính buồng tử cung, tắc vòi trứng, ứ dịch vòi trứng.
Với người nạo phá thai trước khi lập gia đình, sau này, khả năng mang thai tự nhiên cũng thấp hơn. Tỷ lệ vô sinh thứ phát được ghi nhận cao gấp 3 - 4 lần đối với những người không có tiền sử nạo phá thai.
Với vô sinh do dính buồng tử cung chiếm khoảng 5% trong số các trường hợp vô sinh, trong đó, 95% là sau nạo hút thai.
Tỷ lệ sẩy thai khi mong muốn có con cũng cao hơn nhóm không có tiền sử nạo hút thai, do tổn thương cổ tử cung, nhất là khi tử cung còn chưa phát triển hoàn thiện để mang thai khi vị thành niên.
Theo BS. Du, để giúp những phụ nữ này lấy lại khả năng sinh sản, bác sĩ sẽ phải mổ nội soi gỡ dính buồng tử cung hoặc gỡ dính vòi trứng.
Nhiều trường hợp không thể có thai tự nhiên lại được và phải làm thụ tinh trong ống nghiệm, rất tốn kém. Trung bình một ca thụ tinh trong ống nghiệm sẽ tốn khoảng 100 triệu đồng nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt 55 - 60%.
Những phụ nữ vô sinh do dính buồng tử cung hoặc tắc ứ dịch vòi trứng sau nạo phá thai còn tốn thêm tiền phẫu thuật nội soi 10 - 20 triệu đồng, chưa kể chi phí điều trị.
Để giải quyết những hệ lụy này, theo khuyến cáo của BS. Du cần phải làm từ “gốc”, phải tăng cường phổ biến kiến thức về bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai, phương pháp nào an toàn; đã không muốn có thai là phải tránh thai.
Cùng quan điểm, BS. Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương thông tin, nhiều bạn trẻ đến tư vấn khi được hỏi về các bệnh lây qua đường tình dục thì chỉ biết đến HIV.
Trong khi đó, quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến họ đối mặt với hàng loạt bệnh lý nguy hiểm như lậu, giang mai, viêm gan…
Những bệnh lý lây qua đường tình dục thậm chí có thể gây viêm ngược dòng lên phía trên, làm tổn thương, nghiêm trọng hơn là phá hủy hoàn toàn buồng trứng dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, lỗ hổng kiến thức tình dục an toàn ở các bạn trẻ còn dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Để “vá” lỗ hổng này, các trang bị kiến thức tình dục an toàn ở giới trẻ, mà trong đó gia đình và nhà trường đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới.
Cũng theo tổ chức này, chỉ 20% phụ nữ chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục, thậm chí tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở nhóm tuổi nữ 15 - 19 rất thấp, chỉ đạt 4%, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn của nhóm này lên tới 8,6%.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong số này, 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận