Các tài xế thường ngắt tín hiệu GSHT khi dừng đón, trả khách sai quy định(Trong ảnh: Xe Việt Phương thả khách giữa đường Phạm Hùng, đoạn trước cổng bến xe Mỹ Đình) - Ảnh: Khánh Linh. |
Chỉ riêng tháng 3, có 10 địa phương với rất nhiều phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) về hệ thống của Tổng cục Đường bộ VN, khiến cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát được lái xe vi phạm. Các địa phương, doanh nghiệp và lái xe này sẽ bị xử lý như thế nào?
Hễ vi phạm là tắt thiết bị GSHT
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cả nước có trên 80% xe ô tô kinh doanh vận tải đã được lắp thiết bị GSHT. Thông qua hệ thống này, cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát, chấn chỉnh những lái xe chạy không đúng lộ trình, dừng đỗ bắt, trả khách dọc đường hay chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp, lái xe tìm mọi cách đối phó bằng việc không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT.
“Trong tháng 3, có tới 10 địa phương có nhiều phương tiện không truyền dữ liệu về tổng cục như: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Ninh, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ và Bắc Ninh...”, Tổng cục Đường bộ VN thông tin.
Ông Phan Đình Cương, Giám đốc Điều hành Công ty CP Xe khách Bắc Sơn cho biết, doanh nghiệp vận tải đang chịu nhiều loại thuế, phí nên mỗi chuyến xe bị đẩy chi phí lên cao khiến một số nhà xe tìm biện pháp đối phó, lựa chọn những thiết bị có giá rẻ và việc lắp đặt thiết bị GSHT chỉ mang tính hình thức. Nhiều nhà xe còn cố tình không truyền dữ liệu để tránh bị xử phạt.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải, lái xe cũng có rất nhiều mánh khóe để tránh bị kiểm tra, xử lý vi phạm bằng cách ngắt hoặc tắt thiết bị GSHT. Lý giải cho hành động này, anh Phạm Văn Hiệp, một lái xe khách chuyên chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng cho rằng, việc vi phạm ATGT là điều khó tránh khi lưu thông trên đường. Khi vi phạm giao thông, lái xe sẽ phải đối mặt với gánh nặng về chi phí nộp phạt, trong khi đó, nguồn thu nhập từ nghề lái xe không cao khiến họ hoặc phải ngắt thiết bị truyền dữ liệu để tránh bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm.
“Nhiều lái xe khi nào muốn chạy quá tốc độ là tắt thiết bị GSHT. Họ đấu nối vào thiết bị một công tắc khi cần tranh giành khách, vượt tốc độ sẽ tắt đi”, anh Hiệp chia sẻ.
Phải thu hồi giấy phép kinh doanh
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam cho rằng, khi phương tiện không truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT, doanh nghiệp, cơ quan quản lý không giám sát được hoạt động của phương tiện, các vi phạm của lái xe như vi phạm tốc độ, dừng đón trả khách trái quy định không được chấn chỉnh kịp thời sẽ có nguy cơ cao dẫn đến TNGT.
Về vấn đề xử phạt các doanh nghiệp cố tình không truyền dữ liệu, ông Quyền cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định đầy đủ, để xử lý đối với những xe không truyền dữ liệu có thể thu phù hiệu xe. Doanh nghiệp có nhiều xe vi phạm bị thu hồi phù hiệu sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải.
Khoản 2, Điều 22, Thông tư 10 xử lý vi phạm đối với đơn vị kinh doanh vận tải quy định ở mức cao nhất là đình chỉ khai thác tuyến 3 tháng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định vi phạm không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ thiết bị GSHT. Cùng đó, Khoản 1, Điều 26, Thông tư 10 về xử lý vi phạm đối với đơn vị cung cấp thiết bị GSHT, cung cấp dịch vụ cũng quy định: Đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tùy theo mức độ vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 12 của Thông tư này sẽ bị cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản và phải khắc phục. Trong trường hợp không khắc phục bị thu hồi có thời hạn hoặc thu hồi vĩnh viễn Giấy chứng nhận hợp quy thiết bị GSHT. |
“Vấn đề là cần sự quyết liệt trong kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của lực lượng chức năng địa phương, địa phương nào sát sao, quản lý chặt, tỷ lệ truyền sẽ cao và ngược lại”, ông Quyền nói.
Là một trong 10 địa phương nằm trong top có tỷ lệ “trốn” truyền dữ liệu cao, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT Hà Nội lý giải, nhiều doanh nghiệp thường không hiểu về kỹ thuật, có khi thiết bị hỏng hay trục trặc không truyền hệ thống của Tổng cục Đường bộ VN. “Việc truyền dữ liệu là trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải và nhà cung cấp thiết bị GSHT. Trong trường hợp doanh nghiệp, lái xe cố tình không truyền dữ liệu hay tái phạm đều bị xử nghiêm theo quy định Thông tư 10 của Bộ GTVT”, ông Long khẳng định.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng, ngoài xử phạt doanh nghiệp, lái xe, cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý các nhà sản xuất thiết bị GSHT và nhà mạng, như vậy mới công bằng với người tiêu dùng. “Doanh nghiệp vận tải là khách hàng được cung cấp thiết bị định vị, nếu thiết bị không hoạt động, cũng như trường hợp khách hàng bị mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng. Trong trường hợp này, Nhà nước cần có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chứ không nên phạt”, ông Tiến phân tích.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, nhiều lần đề nghị các Sở GTVT có biện pháp xử lý nghiêm đối với các lái xe cố tình can thiệp vào quá trình hoạt động của thiết bị GSHT. “Các Sở GTVT phải đôn đốc, nhắc nhở đối với các phương tiện không truyền dữ liệu, đặc biệt là 10 địa phương có tỉ lệ phương tiện không truyền dữ liệu cao nhất. Sở GTVT cần yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có biện pháp và liên hệ ngay với đơn vị cung cấp thiết bị để khắc phục và truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời về Tổng cục Đường bộ VN theo quy định. Đơn vị cung cấp thiết bị và dịch vụ GSHT không thực hiện để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp ngắt thiết bị GSHT khi đang hoạt động theo quy định Thông tư số 10/2015 của Bộ GTVT”, ông Huyện nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận