Các gói thầu bảo trì thường xuyên đường thủy quốc gia năm 2022 có giá trúng thầu thấp hơn 10% so với năm trước.
Điều này khiến các doanh nghiệp bảo trì đường thủy lâm vào tình cảnh khó khăn, không ít lao động xin nghỉ việc.
Bảo dưỡng phao, báo hiệu đường thủy trên đường thủy phía Bắc
Doanh nghiệp “co kéo” để có việc làm
Từ tháng 3/2022, anh D., công nhân của một công ty bảo trì đường thủy phía Bắc xin nghỉ việc vì thu nhập bị giảm mạnh.
Anh D. làm nghề bảo trì đường thủy đã gần chục năm, mỗi tháng được công ty trả lương gần 8 triệu đồng. Thế nhưng sang năm 2022, lương của anh đột nhiên bị giảm xuống còn hơn 5 triệu đồng.
“Chúng tôi chỉ nghe thông báo giảm lương toàn công ty mà không biết lý do. Công ty thường xuyên chậm lương, giờ lại giảm lương nên tôi xin nghỉ để đi làm việc khác”, anh D. nói và cho biết, một số đồng nghiệp ở các trạm quản lý đường thủy khác cũng có ý định xin nghỉ việc vì lý do trên.
Chủ tịch HĐQT công ty trên (đề nghị không nêu tên) xác nhận, từ đầu năm 2022 đến nay, một số nhân sự của công ty xin nghỉ vì bị giảm lương: “Năm nay, chúng tôi buộc phải giảm 20% lương so với năm ngoái.
Lý do vì nguồn thu từ dịch vụ bảo trì thường xuyên đường thủy bị giảm gần 4 tỷ đồng. Không riêng công ty tôi mà tất cả các đơn vị bảo trì đường thủy quốc gia đều trong tình trạng trên”.
Lãnh đạo một số đơn vị quản lý bảo trì đường thủy khác xác nhận, năm nay nguồn thu từ dịch vụ bảo trì đường thủy giảm mạnh, khiến doanh nghiệp lâm vào khó khăn.
“Các gói thầu bảo trì trúng thầu năm nay đều có giá thấp hơn 10% so với năm trước, khiến các đơn vị bảo trì bị giảm 5 - 6 tỷ đồng từ nguồn này”, giám đốc một doanh nghiệp cho biết.
Theo các doanh nghiệp, với mức giá bảo trì năm 2022 thấp như trên, doanh nghiệp phải cân đối từ nguồn khác để bù đắp chi phí chung.
“Nếu tính toán kỹ thì mức giá trúng thầu trên không phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành giá, như không có khoản cho chi phí gián tiếp (quản lý điều hành, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…).
Dù vậy, doanh nghiệp đành phải “co kéo” để có việc làm, với hy vọng trong năm Cục Đường thủy nội địa VN có sự điều chỉnh để doanh nghiệp bớt thiệt thòi”, đại diện một doanh nghiệp khác cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết, việc thanh toán các gói thầu thường xuyên bị chậm trễ vài tháng, khiến các công ty phải chậm trả lương người lao động.
Bị động trong tổ chức đấu thầu
Bảo dưỡng phao, báo hiệu đường thủy trên tuyến sông Hồng
Tìm hiểu cho thấy, thực hiện Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng Chính phủ (về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT đường thủy), từ năm 2016, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức đấu thầu dịch vụ bảo trì đường thủy quốc gia, nhằm tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công lĩnh vực đường thủy.
Giai đoạn 2016 - 2020, do những vướng mắc về việc thủ tục, thời gian bố trí vốn (gần với thời điểm hết năm) nên năm nào cũng rơi vào tình trạng vừa đặt hàng vừa đấu thầu bảo trì (3 - 4 tháng đặt hàng, 8 - 9 tháng đấu thầu) khiến doanh nghiệp vất vả vì cùng một công việc phải sử dụng hai hình thức hồ sơ, gây tốn kém công sức, chi phí.
Sang năm 2021, năm đầu tiên Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức đấu thầu lựa chọn dịch vụ bảo trì đường thủy quốc gia trong 12 tháng. Tuy nhiên, chẳng những mọi chuyện vẫn vậy mà còn phát sinh vấn đề về giá thầu, gây bất lợi cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh, hơn 1 tuần đầu của tháng 1/2022, Cục Đường thủy nội địa VN mới mở thầu, sau đó mất thêm hơn chục ngày để chào giá lại, tiến hành thực hiện các thủ tục để ký kết hợp đồng bảo trì năm 2022.
Trong thời gian chưa ký kết hợp đồng, đơn vị bảo trì vẫn phải thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản, thực hiện trách nhiệm bảo trì luồng tuyến.
Cục Đường thủy nội địa VN không có văn bản giao nhiệm vụ hay đặt hàng bảo trì trong thời gian chờ đấu thầu, ký hợp đồng nên doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Loan, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch, Cục Đường thủy nội địa VN xác nhận, công tác tổ chức đấu thầu không thực hiện kịp trong tháng 12/2021 dẫn đến thời gian thực hiện các gói thầu năm 2022 không đủ 12 tháng. Cùng đó, giá mời thầu thấp hơn nhiều so các năm trước khiến doanh nghiệp phản ứng.
Năm nay có 40 gói thầu bảo trì, với giá trúng thầu 417 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với năm trước, tương ứng giảm 4 - 7 tỷ đồng/gói.
Khi bỏ thầu, hầu hết đơn vị đều bỏ thầu với giá cao hơn nên bị trượt, sau đó thương thảo lại, bỏ thầu với mức giá thấp hơn nên mới trúng thầu.
Theo ông Loan, trước đây việc xây dựng giá dịch vụ được căn cứ vào Thông tư 18/2016 của Liên Bộ GTVT - Tài chính. Từ năm 2019, Nghị định số 32/2019 của Chính phủ được ban hành (quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên) song lại chưa có thông tư hướng dẫn.
Do đó, Cục Đường thủy nội địa VN đành vận dụng quy định về giá dịch vụ sửa chữa công trình xây dựng để lập giá mời thầu bảo trì đường thủy, với phương án giá thấp nhất.
Đề cập giải pháp, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, hiện đang khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 32/2019 để trình Bộ GTVT ban hành trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bảo trì đường thủy cho biết, công tác tổ chức đấu thầu bảo trì đường thủy được triển khai từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn bị động, lúng túng, kể cả khi chuyển từ đặt hàng sang đấu thầu.
Một số địa phương đã áp dụng đấu thầu thời hạn 3 năm/lần đối với bảo trì đường thủy địa phương. Vì vậy, Cục Đường thủy nội địa VN cần kiến nghị cấp có thẩm quyền để xây dựng kế hoạch dài hạn cho công tác đấu thầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận