Giá giảm nhanh theo sức mua
Hôm nay (17/8), theo khảo sát của PV Báo Giao thông, sau nhiều ngày giảm liên tiếp, hiện tại, giá lợn hơi giao dịch phổ biến mức 80-84 nghìn đồng/kg, thậm chí dưới mức 80 nghìn đồng/kg nếu lợn “xấu”.
Hơn nữa, thói quen tiêu dùng của người dân cũng đã dần giảm bớt khẩu phần thịt lợn, cùng với tình hình dịch bệnh làm giảm lượng tiêu thụ khiến cho nhiều tiểu thương dù hạ giá bán xuống 20 nghìn đồng/kg so với tháng trước vẫn rơi vào tình cảnh ế ẩm…
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), mức giá thịt lợn bán lẻ phổ biến ngưỡng 130-160 nghìn đồng/kg, giảm từ 10-20 nghìn đồng so với trước.
Các tiểu thương cho biết, đã điều chỉnh giá bán khoảng 1 tuần nay khi giá lợn hơi liên tiếp giảm và sức mua cũng giảm rõ rệt, không có hiện tượng mua hàng tích trữ như đợt dịch đầu tiên.
Anh Tuấn, một tiểu thương giải thích: Dù giá móc hàm chỉ giảm 5 nghìn đồng/kg, nhưng mọi người vẫn quyết định giảm giá về mức thấp nhất để thoát cảnh ế ẩm khi lượng người mua giảm xuống nhiều từ khi đại dịch Covid-19 lần 2 bùng phát.
Cụ thể, thịt ba chỉ, sườn thăn có mức giá cao nhất là 160 nghìn đồng/kg giảm 20 nghìn đồng/kg; Thịt mông có mức giá thấp nhất là 130-140 nghìn đồng/kg, giảm 10-15 nghìn đồng/kg; Nạc vai có giá 150 nghìn đồng/kg, giảm 15-20 nghìn đồng/kg; Chân giò, tai 90-100 nghìn đồng/kg; xương cục 55-70 nghìn đồng/kg…đều giảm 10 nghìn đồng/kg.
“Người mua đã giảm, số lượng mua lại dè dặt, một phần do kinh tế khó khăn tác động đến nên giá lợn hơi chắc chắn sẽ còn giảm tiếp”, anh Tuấn nói.
Tại các chợ như Cổ nhuế, Đồng Xa, Mỹ Đình, Phùng Khoang, Cầu Giấy… cũng ghi nhận mức giảm tương tự, với giá bán phổ biến ngưỡng 130-160 nghìn đồng/kg. Các tiểu thương nhận định, đây là mức giá “không lợi nhuận” để mong tồn tại qua mùa Covid-19 này.
Xu hướng giảm chưa chắc chắn vì vẫn hụt cung
Chia sẻ với PV, chủ một cơ sở giết mổ tại Mê Linh, Hà Nội cho biết, giá móc hàm dao động khoảng 110-116 nghìn đồng/kg, giảm từ 5-10 nghìn đồng/kg so với tháng trước nên mức giá bán lẻ khoảng 130-160 nghìn đồng/kg là mức phù hợp…
Theo vị này, do tác động của đợt dịch trước, người dân càng thặt chặt chi tiêu hơn. Mặt khác, thói quen tiêu dùng của người dân cũng dần quen với bữa cơm vắng bóng thịt lợn nên sức mua càng giảm.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy, đây là mức giảm cục bộ do người chăn nuôi đang lo ngại dịch tả lợn Châu Phi lan rộng; Trong bối cảnh sức mua giảm, giá giảm, nhập khẩu lợn sống tăng và nhập khẩu thịt đông lạnh tăng.
“Hiện tượng này khi đạt ngưỡng nó sẽ tăng nhanh trở lại hoặc đi ngang bởi thực tế tái đàn vẫn chưa đảm bảo”, vị này chia sẻ.
Không những giá thịt lợn tại các chợ dân sinh "hạ nhiệt", tại các siêu thị lớn cũng đang cam kết bán với mức giá không lợi nhuận.
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện hệ thống siêu thị GO! và BigC cho biết, đây là chương trình hỗ trợ người dân trong tác động của đợt dich Covid-19 lần 2 áp dụng đến hết tháng 8.
Cụ thể, giá thịt lợn bán lẻ sẽ tính từ giá mua vào tùy thời điểm, cộng với chi phí logistics,... Giá tới tay người tiêu dùng sẽ không tính lợi nhuận. Ước tính, giá bán dao động từ 100-164,5 nghìn đồng/kg tùy loại.
Hệ thống chuỗi siêu thị BRG cũng cam kết bán thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ với mức giá trung bình 113 nghìn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thịt "nóng"...
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT) cho biết, chỉ riêng tháng 8/2020 (tính đến ngày 12/8), dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát tại 46 xã của 12 tỉnh. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.099 con.
Trước đó, trong tháng 6-7/2020, dịch bệnh này cũng đã tái phát tại nhiều tỉnh khiến gần 9.800 con lợn phải tiêu hủy.
Ngoài ra, cả nước còn phát hiện 5 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại 5 tỉnh, gồm: Quảng Trị, Nghệ An, Kon Tum, Cao Bằng và Đồng Nai.
Bộ NN&PTNT cho biết: Bộ đang giao cho các đơn vị chức năng tích cực kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật để không xảy ra bùng phát dịch diện rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận