Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hôm nay, giá lợn hơi vẫn đạt đỉnh 97-98 nghìn đồng/kg tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có giá dao động 87-96 nghìn đồng/kg tùy vào địa phương. Như vậy, đây là mức giá cao hơn 27-38 nghìn đồng/kg so với kỳ vọng kiểm soát chặt giá thịt lợn để sớm đưa giá lợn hơi về mức 60.000 đồng/kg trong tháng 5 này.
Giá neo cao cả 3 miền
Tại Hà Nội, giá lợn hơi đang ghi nhận ngưỡng 94-98 nghìn đồng/kg, đây là vùng có giá lợn hơi cao nhất bởi đa số lái buôn đều phải mua lợn xuất chuồng từ các tỉnh khác và vận chuyển về Hà Nội khiến chi phí bị đội lên, làm tăng giá lợn hơi.
Tại Hà Nam vẫn đứng giá ngưỡng 94-95 nghìn đồng/kg đối với hàng xuất lẻ, xuất số lượng lớn vẫn duy trì ngưỡng 90-92 nghìn đồng/kg.
Tại Phú Thọ, Thái Bình, Hưng Yên và Tuyên Quang vẫn ở mức 94.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá ghi nhận tại Ninh Bình, Thái Nguyên..
Thị trường miền Trung, Tây Nguyên vẫn im ắng, không có nhiều biến động, giá vẫn duy trì ngưỡng 85-92 nghìn đồng/kg. Đây là vùng có mức giá thấp nhất cả nước khi có nhiều địa phương vẫn giữ giá dưới 90 nghìn đồng/kg.
Cụ thể, tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, giá lợn hơi vẫn duy trì ngưỡng ổn định ở mức 87-88 đồng/kg. Trong khi, tại Đắk Lắk, giá lợn hơi vẫn ở mức thấp nhất vùng là 85.000 đồng/kg...
Thị trường miền Nam vẫn ổn định ở mức cao, không có biến động, mức giao dịch trong khoảng 88-96 nghìn đồng/kg. Cao nhất tại Đồng Nai giao dịch với giá đỉnh 95 nghìn đồng/kg; Thấp nhất tại An Giang, Kiên Giang với mức 88-89 nghìn đồng/kg...
Đưa giá lợn hơi về 60.000 đồng trong tháng 5
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần thứ 3 lên tiếng yêu cầu đưa giá lợn hơi về mốc 60 nghìn đồng/kg.
Thủ tướng yêu cầu: Các bộ liên quan có giải pháp sớm đưa giá lợn hơi giảm về mức khoảng 60.000 đồng/kg phấn đấu ngay trong tháng 4, đầu tháng 5 gắn với việc bảo đảm lợi ích hợp lý, hài hòa giữa người sản xuất, khâu phân phối và người tiêu dùng.
"Để thực hiện điều đó cần có kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu trong nước ngay đầu quý 3. Có phương án điều hòa cung cầu thịt heo và báo cáo định kỳ hằng tháng.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn thực hiện đúng cam kết về giảm giá bán heo hơi và việc cung ứng số lượng heo hơi. Kiểm tra giá thành heo hơi tại các doanh nghiệp, có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để thao túng giá thì thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời và yêu cầu giảm giá theo đúng tinh thần chỉ đạo.
Cùng với việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tái đàn hợp lý, chăn nuôi an toàn, có biện pháp nhập khẩu đủ số lượng thịt còn thiếu để bổ sung cho đến quý 3, không để thiếu nguồn cung trong mọi trường hợp. Kiểm soát giá đầu vào mặt hàng thức ăn chăn nuôi, có giải pháp bình ổn giá, nghiên cứu đưa mặt hàng thịt heo vào danh mục bình ổn giá",Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận