Giá thịt lợn mỗi nơi mỗi kiểu
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, giá thịt lợn bán ra tại chợ truyền thống vẫn duy trì ở mức cao dù giá lợn hơi đã giảm thêm 2 nghìn đồng/kg xuống 82-84 nghìn đồng/kg, giá thịt lợn móc hàm giảm thêm 10-12 nghìn đồng/kg trong mấy ngày qua…
Giá bán phổ biến ở mức 160-200 nghìn đồng/kg, số ít chợ vẫn duy trì mức bán ổn định 140-150 nghìn đồng/kg dù giá lợn hơi có tăng cao vào tuần trước.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), mức bán thịt lợn tương đối cao so với mặt bằng chung của thị trường. Cụ thể, thịt vai ở mức 160.000-180.000 đồng/kg (cao hơn từ 10-25 nghìn đồng/kg); Thịt ba chỉ 180.000-190.000 đồng/kg (cao hơn 10-30 nghìn đồng/kg); Thịt mông, đùi 150.000-170.000 đồng/kg (cao hơn 10-20 nghìn đồng/kg)…
Chị Vân, một tiểu thương vẫn bán với mức giá cũ là 160-180 nghìn đồng/kg khi giá lợn hơi ở ngưỡng 94-95 nghìn đồng/kg lý giải: “Giá lợn hơi giảm như vậy là chuyện bình thường và giá sẽ tăng trở lại trong thời gian ngắn bởi lợn xuất chuồng khó mua. Tôi chưa điều chỉnh giá vì mức bán trước kia không có lãi…”.
Một tiểu thương khác cho biết, hôm nay, giá móc hàm giảm thêm 6-8 nghìn đồng/kg dao dộng mức 120 nghìn đồng/kg nên giá thịt bán ra được điều chỉnh giảm khoảng 10 nghìn đồng/kg đưa giá bán dao động mức 150-160 nghìn đồng/kg.
Tại chợ Phú Lãm (Hà Đông), mức bán thịt lợn dao động khoảng 140-150 nghìn đồng/kg, các tiểu thương cho rằng, giá bán thấp hơn bởi đây còn là vùng nông thôn hóa có mức sống thấp hơn…
Cần bớt “chênh” giá khâu lưu thông
Theo ghi nhận của PV, khi giá lợn hơi có biến động tăng, hầu hết các tiểu thương đều điều chỉnh giá bán tăng liên tục, song lúc giảm lại chưa điều chỉnh ngay mà vẫn duy trì mức bán cũ khiến “nền” giá tại nhiều chợ vẫn ở mức cao.
Theo phân tích của người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, bà Lý, tiểu thương chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) cho rằng: Giá lợn móc hàm và giá bán lẻ đang có khâu lưu thông cao hơn so với giá lợn hơi.
“Nếu tính ước lượng, thường thì giá của loại thịt này cao hơn loại thịt kia khoảng 20 nghìn đồng/kg là ổn. Có nghĩa là khi lợn hơi khoảng 80 thì móc hàm ở mức 100-110 nghìn đồng/kg và thịt bán lẻ dao động khoảng 130-150 nghìn đồng”, bà Lý phân tích.
Theo bà Lý, muốn giảm giá thịt lợn thì cả các khâu đều nên cân đối mức giá trần. Bây giờ mọi người đang “mạnh ai người nấy bán” thì khó đưa xuống mức giá chung. “Đã gọi là chợ thì lúc tăng sẽ rất nhạy, mọi người tăng nhanh lắm. Lúc giảm thì còn phải xem xét nghe ngóng”, bà Lý nói.
Một thương lái chuyên phân phối lợn cho các lò mổ cho biết, thường những người đi buôn sẽ hay để ý mức giá cao nhất để áp theo.
Tuy nhiên, nếu có quy định cứng từ khâu chuồng trại đến lò mổ; Khâu lò mổ đến tiểu thương; Tiểu thương đến tay người tiêu dùng được phép bán trong khoảng bao nhiêu phần trăm thì tự nhiên những khâu nhỏ lẻ như các cò giá ăn chênh tự biến mất vì không có lãi khi tham gia vào khâu. Các khâu khác cũng không bị giá cao bất hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận