Đời sống

Giá thịt “trên trời”, bất an với chiêu chế biến giò chả

27/12/2019, 06:46

Cận Tết, giá thịt lợn tươi sống leo thang, nhiều cơ sở chế biến giò chả buộc phải nhập thêm hàng đông lạnh rồi pha chế thêm phụ gia nguy hại…

img
Thịt mỡ trôi nổi được nhập về chế biến giò chả

“Chờ thịt ngon thì chỉ có đóng cửa”

Giò chả là một trong những món ăn ngày Tết được rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, thời điểm giáp Tết, giá thịt lợn leo thang cũng là lúc thị trường mặt hàng chế biến từ thịt gặp nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, dẫn tới mối nguy hại lớn từ sản phẩm kém chất lượng.

Theo ghi nhận, giá thịt ngon loại 1 bán ra thị trường ngày 26/12 từ 180 - 200 nghìn đồng/kg. Nguyên liệu bằng thịt tươi sống đắt đỏ, buộc các chủ cơ sở chế biến giò chả phải tìm nguồn khác. Trong vai nhà hàng cần nhập số lượng lớn về nấu cỗ, PV Báo Giao thông được chị H., tiểu thương tại chợ Cầu Bươu (Hà Nội) cho biết: “Bây giờ thịt đắt lắm nên giò chả cũng đắt lên theo. Chị lấy giá buôn là 160 nghìn đồng/kg. Em lấy rẻ hơn cũng có nhưng đấy không phải hàng ngon, khéo toàn hàng linh tinh, làm bằng thịt không ngon”, vừa nói chị H. vừa chỉ tay sang đống bao tải chứa hàng trăm cân mỡ đông lạnh đang được vận chuyển nhằm phục vụ việc gia công giò chả tại đây.

Để tìm hiểu rõ hơn quy trình sản xuất giò chả trong những ngày thịt lợn đắt đỏ, chúng tôi đã tìm tới làng Hoàng Trung (Thanh Oai, Hà Nội), được ví như xưởng sản xuất giò chả lớn nhất Thủ đô. Tại đây, cứ tầm 2 - 3h sáng, nhà nào cũng sáng đèn, tất bật xay thịt, nổi lửa luộc giò, rán chả để kịp cung cấp hàng cho phiên chợ sáng. Trong một xưởng sản xuất chật hẹp, chưa đầy 15m2, mọi hoạt động sản xuất đều diễn ra ngay trên nền đất. Hàng tạ mỡ cùng các loại thịt tạp nham, bèo nhèo được chất thành đống đang được tận dụng để chế biến. Anh T., chủ cơ sở gia công giò chả tại đây cho biết: “Thịt lợn vừa đắt lại khan hiếm nên nếu cứ trông chờ nguồn thịt tươi thì chỉ còn cách… đóng cửa, bỏ làm hàng. Còn muốn giữ giá cạnh tranh thì phải tìm cách nhập đủ nguyên liệu mà làm”.

Trước tình trạng trên, TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyến cáo: “Hiện nay, giá thịt lợn đang lên rất cao, vì vậy hiện tượng pha trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc trong sản xuất giò chả là điều khó tránh. Đáng nói, khi dùng thịt mỡ không đảm bảo để pha trộn có thể khiến giá trị dinh dưỡng trong giò chả thành phẩm thay đổi, tác động xấu tới sức khỏe người sử dụng”.

Lạm dụng phụ gia tạo độ dai giòn cho giò chả

Thông thường, giò chả ngon phải được làm bằng thịt lợn tươi mới giết mổ để có độ kết dính. Tuy nhiên, theo tiết lộ của chủ cơ sở chế biến, nếu sử dụng các chất tạo dai giòn thì không cần tới thịt tươi, có thể tận dụng cả nguồn nguyên liệu đông lạnh, thịt mỡ, mà vẫn đảm bảo được độ kết dính trong giò chả.

Trong kho một cơ sở sản xuất khác ở Thường Tín (Hà Nội), theo quan sát của PV, một lượng lớn tải đựng bột và các chất tạo dai giòn, được chất đống để sử dụng trong chế biến giò chả. Bột tạo giòn được sử dụng ở đây là loại bột mịn màu trắng không tem nhãn. “Bây giờ nhà bán giò chả nào cũng sử dụng loại bột này, cho vào thì giò mới cứng giòn và có độ kết dính”. Với công thức “trăm hay không bằng tay quen”, sau khi nguyên liệu được cho vào máy xay trộn, bột phụ gia được người làm cho thẳng vào mà không cần cân đong đo đếm…

Theo tìm hiểu, hiện nay trên thị trường phụ gia thực phẩm có nhiều loại chất giúp giò chả có độ giòn dai, được phép sử dụng. Trong đó, polyphosphate là loại bột được sử dụng rất phổ biến. Tại “chợ hóa chất” Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) giá bán lẻ loại bột trên là 20 nghìn đồng/100g. Người bán ở đây cho biết, loại này được sử dụng chủ yếu cho chế biến giò chả, xúc xích, nem… “Chỉ nên trộn tỷ lệ 3g bột cho mỗi cân thịt, nếu cho nhiều sẽ bị đắng”, chủ hàng nói.

Theo TS. Từ Ngữ, mặc dù không bị cấm như hàn the nhưng việc lạm dụng chất phụ gia tạo giòn có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người sử dụng. “Để tạo độ kết dính và dai giòn cho giò chả, hiện nay thay vì hàn the chúng ta có rất nhiều loại phụ gia thực phẩm, như polyphosphate và nhiều chất khác được tổng hợp với điều kiện phải tuân thủ tỷ lệ ở mức cho phép. Nếu lạm dụng các chất này sẽ gây hại lớn tới sức khỏe người sử dụng, có thể khiến cơ thể người ăn bị rồi loạn chuyển hóa các chất, thậm chí là ngộ độc mãn tính”, ông Ngữ phân tích.

Ồ ạt thịt lợn nhập lậu qua biên giới

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay một số tỉnh biên giới như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn… là “điểm nóng” về nhập lậu thịt lợn không rõ nguồn gốc. Đơn cử như Cao Bằng, thời gian qua, mặc dù lực lượng quản lý thị trường kiểm soát rất nghiêm ngặt nhưng hai tháng trở lại đây, có 6 vụ vi phạm đã bị xử lý, tiêu hủy 4.430kg móng giò lợn và 1.446kg thịt lợn. Riêng với địa bàn nóng như Lạng Sơn, từ tháng 11 đến nay lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 35 tấn chân giò, hàng chục tấn lợn vận chuyển trái phép. “Lực lượng quản lý thị trường đã lập các chốt chặn ở các “điểm nóng” nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu thịt lợn chưa qua kiểm dịch vào thị trường trong nước. Ngoài ra, trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm. Nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh thịt lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm”, ông Linh cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.