Người chăn nuôi khó chồng khó
Thông tin trên được ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ tại Hội nghị "Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn bền vững và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi", do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 18/3.
Trong bối cảnh, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường quốc tế tăng mạnh, do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ukraina đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng của Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty cổ phần CP Việt Nam. Ảnh: Danh lam
Ông Tống Xuân Chinh cho biết, với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22%.
Trong khi, quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao, việc áp dụng quy trình sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại còn hạn chế.
Việc ứng phó với thông tin thị trường chưa tốt của người chăn nuôi là hạn chế lớn, gây nên nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như dự báo thị trường, hầu hết người chăn nuôi còn bị động và phụ thuộc vào thương lái, người tiêu thụ trung gian.
Bởi vậy, trước thực tế, giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhưng giá thành lợn hơi lại giảm khiến cho nhiều hộ dân “khóc ròng”.
Cụ thể, từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2021 giá lợn thịt hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43-49 nghìn đồng/kg;
Đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên trên 50 nghìn đồng/kg; tháng 12/2021 giá tăng lên và dao động quanh mức 54-57 nghìn đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022.
Đến cuối tháng 2/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn 53-56 nghìn đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022 giá giảm còn 50-53 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Vì vậy, lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí lỗ khi giá đầu vào tăng, nhưng đầu ra giảm.
Chưa kể, sức tiêu dùng thịt lợn cũng suy giảm thời gian qua do đóng cửa trường học, khu công nghiệp, dừng các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, cộng với thu nhập người dân giảm sút do dịch bệnh.
“Những yếu tố trên khiến hoạt động chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng khó càng thêm khó”, ông Chinh cho biết.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng không ngừng đội lên vì giá xăng, dầu liên tục tăng và dự báo sẽ tiếp tục có những đợt “sốt giá” mới.
Ngoài ra, giao tranh giữa Nga và Ukraine đang tác động lớn đến giá bắp và lúa mì trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Giải pháp nào?
Đánh giá về tác động, đại diện Viện Chăn nuôi cho biết thêm, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất của các doanh nghiệp và nông hộ.
Theo tính toán, nếu giảm 3% chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giúp giảm được 2% giá thành.
Do đó, bên cạnh công tác kiểm soát dịch bệnh, phát triển các chuỗi liên kết, theo Viện Chăn nuôi, việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn bằng việc phối hợp hợp lý trong khẩu phần và kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, nhập khẩu và bảo quản là việc cần đặc biệt quan tâm.
Viện Chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lợn, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.
Dẫn chứng năm 2021, vị này cho biết, trước đà tăng phi mã của giá thức ăn chăn nuôi, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu từ ngày 30/12/2021 như lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi.
Tuy nhiên, ngay sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi lại có đợt tăng giá mới do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thế giới tăng cao so với cuối năm 2021. Cụ thể, giá dầu đậu nành tăng khoảng 22%, đậu nành tăng khoảng 21%, khô đậu nành tăng khoảng 16%, bắp tăng khoảng 9%...
Do đó, Viện này đánh giá, việc giảm thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chỉ là giải pháp trước mắt. Chủ động nguồn nguyên liệu trong nước mới là giải pháp lâu dài cho ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận