Cường độ năng lượng sơ cấp/GDP cao gấp đôi thế giới
Tại tọa đàm, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng từ nhiều năm nay với mức tăng trưởng bình quân rất cao, trong khi đó giá trị GDP tạo ra được còn thấp...
Cụ thể, cường độ năng lượng sơ cấp/GDP (kgTOE/1.000USD) của Việt Nam là 376 kgTOE/1.000USD GDP (năm 2019), trong khi đó bình quân các nước trên thế giới là 172; nhóm các nước OECD là 104, Nhật Bản là 90 và Singapore là 99.
“Điều này đồng nghĩa với việc để sản xuất ra 1.000USD GDP chúng ta đang cần một lượng năng lượng sơ cấp quy đổi (TOE) gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với thế giới và các nước phát triển”, ông Lâm nói.
Tương tự, về hệ số đàn hồi (là hệ số co giãn giữa tăng trưởng điện và tăng trưởng GDP ở Việt Nam) bình quân các năm 2017-2021 đều hơn 1,2 lần; trong khi đó các nước phát triển hệ số này là dưới 1.
Nhiều dư địa tiết kiệm
Với hai chỉ số trên, ông Lâm cho rằng, việc sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng ở nước ta còn dư địa rất nhiều để tiết kiệm. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách về sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng hiệu quả và tiết kiệm.
Chuẩn bị kế hoạch bảo đảm điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2024, ông Lâm cho biết, EVN đã có các chỉ đạo rất cụ thể tới tất cả các đơn vị trực thuộc, tập trung chính vào 3 nhóm giải pháp, đó là vận hành, đầu tư xây dựng và quản lý phía nhu cầu điện (gọi tắt là phụ tải điện).
Tuy nhiên, trong bối cảnh dự báo nắng nóng đến sớm trong năm 2024 khiến nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc cao hơn so với trung bình nhiều năm ngưỡng 0,5-1,5 độ C, dự kiến xuất hiện tình trạng nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm so với hằng năm, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lo lắng cho việc cung ứng điện miền Bắc những tháng mùa khô.
Theo ông Trung, những tháng đầu năm, chưa đến mùa nắng nóng nhưng tăng trưởng điện miền Bắc đã lên tới 11%. Dự báo, đến tháng 5,6,7 nắng nóng hơn, tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 13%. Đây là thách thức cho ngành điện.
Ông dẫn chứng, nhu cầu sử dụng điện khu vực miền Bắc kể cả sinh hoạt lẫn công nghiệp khoảng 25.000 MW, nếu tăng trưởng 10%/năm nghĩa là phải cần thêm 2.500 MW. Điều này đồng nghĩa việc “mỗi năm chúng ta cần thêm một nhà máy thủy điện Sơn La nữa đi vào vận hành, đáp ứng được tốc độ tăng trưởng, phụ tải nhu cầu sử dụng điện của khu vực phía Bắc”, ông Trung nói.
Trong bối cảnh này, theo ông Trung việc dịch chuyển giờ cao điểm cho khu vực miền Bắc là cần thiết, A0 cũng đã làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Bắc về giải pháp này.
“Chúng tôi phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc rà soát gần 300 thủy điện nhỏ. Mặc dù công suất nhỏ nhưng tổng công suất của các nhà máy thủy điện nhỏ cũng lên tới 5.000 MW”, ông Trung nói và cho biết đã chuẩn bị phương án nguồn điện cho điều chỉnh phụ tải.
Về công tác triển khai thực hiện, ông Trần Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho hay: “Các công ty điện lực của chúng tôi đã “bám” Sở Công thương địa phương để “chốt” được danh sách các phụ tải quan trọng đảm bảo cấp điện theo quy định của Bộ Công thương, từ đó lập các phương án vận hành trong trường hợp hệ thống điện thiếu nguồn, trình UBND tỉnh phê duyệt. Bám sở, bám chính quyền địa phương, bám khách hàng, bám nhân dân để cùng nhau hiểu, chia sẻ và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung ứng điện trong điều kiện khó khăn được chúng tôi quyết liệt thực hiện từ sớm và liên tục.
Theo đó, đến nay, tổng công ty đã ký biên bản thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện với khoảng 4.000 khách hàng (có sản lượng sử dụng điện từ 1 triệu kWh trở lên).
Ông Dũng cũng cho biết: “Hãy sử dụng điện tiết kiệm đúng cách, thông thái, có trách nhiệm” là những thông điệp, mà tổng công ty mong muốn mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị, cơ quan, tổ chức thực hiện như một thói quen, thường xuyên liên tục sẽ là giải pháp cứu cánh giúp EVN cũng giảm bớt khó khăn trong cung ứng điện.
“Chúng tôi cũng đã đưa mục tiêu để phấn đấu, tổng công ty đảm bảo chỉ tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% (phấn đấu đạt 2,2%) tổng điện năng tiêu thụ; ký biên bản cam kết tiết kiệm điện 100% các nhóm khách hàng trước 30/4 năm nay”, ông Dũng nói.
Ngoài việc điều chỉnh phụ tải, ông Dũng cho biết, tổng công ty yêu cầu 100% đơn vị phải thực hiện sắp xếp triển khai việc sửa chữa thiết bị, đường dây... triển khai các công việc duy tu bảo dưỡng, thực hiện các dự án nhằm nâng cao độ tin cậy, giảm sự cố trên lưới điện, đặc biệt trước mùa nắng nóng nhằm đảm bảo hạn chế tối đa các sự cố thiết bị trong điều kiện làm việc nóng nắng khắc nghiệt mùa hè ở miền Bắc…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận