Kinh tế

Giá USD hạ nhiệt, doanh nghiệp dễ thở hơn nhưng vẫn phải phòng ngừa rủi ro

30/08/2024, 09:04

Dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng, song nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

Giá USD tự do rơi mạnh

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đồng Việt Nam (VND) từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, tỷ lệ này đã giảm còn 3,85%.

Giá đồng USD tự do bắt đầu rơi mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt trong nửa đầu tháng 8. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tại các ngân hàng đã giảm khoảng 400 đồng (tương đương 1,6%).

Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng trong phiên hôm nay 29/8 là 25.432 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.009 VND/USD.

Sáng 29/8, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 - 25.382 VND/USD.

Giá USD hạ nhiệt, doanh nghiệp dễ thở hơn nhưng vẫn phải phòng ngừa rủi ro- Ảnh 1.

Giá USD giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp thở phào. (Ảnh minh họa).

Cùng diễn biến, giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh. Sáng nay 29/8 tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 24.700 - 25.070 VND/USD (mua vào - bán ra)

BIDV niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 24.725 - 25.065 VND/USD (mua vào - bán ra).

Techcombank niêm yết tỷ giá ở mức 24.689 – 25.082 VND/USD (mua vào - bán ra).

Tại Eximbank, tỷ giá USD/VND được niêm yết ở mức 24.700 - 25.130 VND/USD (mua vào - bán ra).

Khảo sát của Báo Giao thông cho thấy, giá mua USD thấp nhất của ngân hàng đang ở mức 24.470 VND/USD tại LPBank; giá mua cao nhất ở mức 24.790 VND/USD tại OCB. Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất được niêm yết ở mức 24.981 VND/USD tại HSBC, giá bán cao nhất ở mức 25.380 VND/USD tại Saigonbank.

Doanh nghiệp "dễ thở" hơn, nhưng vẫn cần phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Anh Hoàng Văn Phong, chủ một công ty chuyên nhập khẩu các loại thực phẩm từ nước ngoài chia sẻ với Báo Giao thông: Mỗi tháng doanh nghiệp của anh cần nhập lượng hàng tương ứng giá trị khoảng 20 tỷ đồng, thanh toán bằng ngoại tệ. Nhờ tỷ giá giảm trong thời gian gần đây nên chi phí mỗi đơn hàng đều giảm từ 2 - 4% so với lúc cao điểm.

"Ví dụ trước đây mỗi công hàng nhập từ nước ngoài về kho của công ty bao gồm tất cả các loại chi phí mất khoảng 2 tỷ đồng thì bây giờ giảm được hơn 60 triệu đồng so với lúc tỉ giá lên cao nhất, do vậy sản phẩm đầu ra bán rẻ hơn, giúp doanh nghiệp chúng tôi gia tăng được doanh thu", anh Phong cho biết.

Là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu các loại nông sản như: bắp, đậu nành, lúa mì từ nước ngoài về Việt Nam, ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro cho biết tỉ giá giảm mạnh sẽ hỗ trợ tích cực đến giá thành nhiều mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Khánh, công tác điều hành tỉ giá USD của NHNN giúp biên độ biến động nhỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng trong việc hoạch định kinh doanh.

Ngành bán lẻ cũng được hưởng lợi từ chi phí nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu giảm, tạo điều kiện tăng sức cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghệ, điện tử, và hàng tiêu dùng cao cấp.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy, trong bối cảnh tỷ giá biến động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD.

Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học…

Mặt khác, doanh nghiệp cần tính đến các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như việc cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ.

Ðối với chính sách tỷ giá, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Ðào Minh Tú cũng khẳng định: Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là hạn chế những biến động quá mức của đồng Việt Nam, cho phép tỷ giá biến động linh hoạt để hỗ trợ hấp thu các cú sốc từ bên ngoài, hướng đến ổn định tâm lý, hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô, nhất là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại. Hiện nay, về chính sách tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt hai mục tiêu là ổn định chứ không cố định tỷ giá và bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không phải âm.

Nhận định về tỉ giá, ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nhận định, tỷ giá giảm sẽ giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể mở rộng cung tiền, hạ lãi suất điều hành, từ đó mặt bằng lãi suất có thể giảm hoặc duy trì ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Độ cho rằng, tỷ giá từ nay đến cuối năm có khả năng vẫn tiếp tục hạ nhiệt nếu FED hạ lãi suất. Tuy nhiên, giá 1 đồng USD không thể xuống dưới 25.000 đồng.

Dù vậy, TS Nguyễn Đức Độ cũng khuyến nghị, vẫn cần dự phòng những yếu tố bất ngờ. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và vẫn còn nhiều cuộc xung đột đang diễn ra khắp nơi, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng khó dự báo.

Bên cạnh đó, cuối quý 3 và đầu quý 4 nhu cầu USD thường tăng cao do hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên liệu cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm; cùng với đó là sự gia tăng áp lực tỷ giá do các yếu tố liên quan đến cán cân thanh toán. Do đó, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá vẫn rất cần được xem trọng trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.