Vàng SJC áp sát mốc 82 triệu đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 79,8 - 81,82 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 79,75 - 81,75 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua. Vàng nhẫn Doji 9999 tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 67,5 – 68,8 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 200.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 300.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,85 - 81,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 66,9 - 66,25 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 79,8 - 81,8 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với chốt phiên liền trước.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 67,68 – 68,88 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng mạnh 250.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Vàng thế giới tăng mạnh 13 USD/ounce
Sáng nay ngày 8/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.158 USD/ounce, tăng mạnh 13 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Hôm qua, đã có lúc giá vàng tăng chạm mức 2.164 USD.
Chuyên gia Ross Norman - Giám đốc điều hành Metals Daily viết trong một bài đăng trên LinkedIn: "Đợt phục hồi này của vàng dường như đã khiến các chuyên gia và nhà dự báo phương Tây quá bất ngờ - dường như hoạt động mua vào nằm ngoài tầm dự đoán của hầu hết chúng ta".
Theo phân tích của vị chuyên gia này, “Lời giải thích thông thường” là vàng đang tăng giá trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến tại cuộc họp tháng 6 của Fed, điều này sẽ làm suy yếu đồng USD và làm tăng giá vàng. Nhưng đồng USD thực sự đã tăng so với đầu năm.
Một lời giải thích khác có thể là sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, “giảm 1,2% trong tháng trước và vàng tăng gần 6%… nhưng một lần nữa không có bằng chứng nào cho thấy các tổ chức đứng sau việc này vì nhu cầu ETF vẫn còn khá mờ nhạt”.
Giám đốc điều hành Metals Daily cũng cho rằng, chắc chắn rằng việc mua bán trên thị trường tương lai đã giúp thúc đẩy đà tăng, nhưng động thái này không thể coi là động lực chính, “vì vậy có điều gì đó khác đang diễn ra”.
Chuyên gia nhận định, giá vàng đang tăng quá “nóng” khi nền kinh tế Mỹ mới có một số dữ liệu cho thấy yếu đi, nhưng vẫn tăng trưởng. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã dịu lắng nhưng khu vực Nga - Ukraine có thêm những diễn biến mới. Cả giới chuyên gia và nhà đầu tư đều cho rằng, hiện vàng đang bị quá mua. Trong suốt từ tuần trước đến tuần này, giá vàng thế giới đã có đến 7 phiên tăng liên tiếp.
Thông thường, giá vàng tăng do căng thẳng địa chính trị sẽ không bền vững, do đó chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng mua thêm. Có thể chốt lời khi các khoản mua trước đó đã có lợi nhuận.
Có nên đầu tư vào vàng?
Nhận định về diễn biến giá vàng liên tục lập đỉnh trong thời gian ngắn vừa qua, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, giá vàng tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới do chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế của Mỹ.
Song riêng với Việt Nam, giá vàng trong nước tăng ngoài nguyên nhân do giá thế giới đi lên mà còn xuất phát từ sự khan hiếm. Thế nên, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp can thiệp thị trường thì giá vàng SJC còn tăng và có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.
Theo ông Khánh, trường hợp nguồn cung vàng gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng. Dự báo về giá vàng, ông Khánh nhận định điều này còn phụ thuộc vào giải pháp tăng nguồn cung.
Còn ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT nhận định: Ngày nào Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa có lộ trình hạ lãi suất thì giá vàng trong nước không thể giảm. Khi biết nhịp tăng của vàng còn tồn tại thì không ai có nhu cầu bán lượng lớn vàng ra thị trường,
Theo ông Huấn, mặt khác, tình hình thế giới xảy ra một số biến động phức tạp dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến cả xuất nhập khẩu. Khi sự biến động về chính trị vẫn còn thì giá vàng vẫn đang được ủng hộ lớn.
Vị chuyên gia này phân tích thêm, ở trong nước, kinh tế đang trong trạng thái phục hồi. Các chỉ số vĩ mô luôn có quan hệ mật thiết với giá vàng. Nhìn lại ở thời điểm trước đó, giá vàng SJC từng lập đỉnh 43 triệu đồng/lượng vào năm 2012 khi kinh tế suy thoái. Từ năm 2014 đến năm 2018, giá vàng bắt đầu giảm mạnh và đi ngang khi kinh tế dần phục hồi và phát triển. Từ năm 2015 đến 2018, kinh tế phát triển, giá vàng lại chững và đi xuống. Đến thời điểm hiện tại, thời điểm đảo chiều cho nền kinh tế chưa rõ ràng. Các yếu tố vĩ mô không ủng hộ vàng giảm giá.
Ông Huấn khuyến nghị: "2024 là năm không nên bán vàng. Nhưng trong danh mục đầu tư, vàng không chiếm quá 15% tỷ trọng".
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông Huấn cho rằng giá vàng nhất định còn tăng trong năm 2024. Giá vàng nhẫn có thể lên tới 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC chạm mốc 85 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên theo ông Huấn, thời điểm này không nên mua thêm vàng tại vùng hiện nay. Nếu giá vàng giảm 5-7% thì có thể mua thêm với tỷ trọng nhỏ. Vị chuyên gia này cho rằng, về dài hạn, vàng không phải là kênh đầu tư lâu dài. Và thực tế, không ai tích lũy loại tài sản mà có xu hướng giảm trong dài hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận