Đầu giờ sáng cuối tuần, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường TPHCM 41,48-41,75 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Doji cũng niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội với giá mua vào, bán ra tương ứng 41,48-41,68 triệu đồng/lượng, tăng nhẹ 10 nghìn đồng ở chiều mua nhưng lại giảm 20 nghìn đồng chiều bán ra.
Đây là phiên thứ hai liên tiếp Doji điều chỉnh trái ngược nhau ở hai chiều, co hẹp khoảng cách mua vào và bán ra để kích thích giao dịch. Hiện khoảng cách mua vào – bán ra tại đây chỉ còn 200 nghìn đồng.
Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng Rồng Thăng Long giữ nguyên chiều mua vào và tăng nhẹ 10 nghìn đồng chiều bán ra lên 41,53-42,03 triệu đồng/lượng.
Trong mấy phiên giao dịch vừa qua, giá vàng trong nước bám sát diễn biến thế giới xong các thương hiệu đều thận trọng, niêm yết giá vàng dưới 42 triệu đồng, duy chỉ có vàng Rồng Thăng Long vẫn giữ mốc này ở chiều bán. Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra tại đây khá lớn, 500 nghìn đồng mỗi lượng khiến nhà đầu tư khi giao dịch chịu rủi ro lớn hơn tại các thương hiệu khác.
Trên thị trường thế giới, đến cuối phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới liên tục “thử” ngưỡng hỗ trợ 1.490 USD/ounce. Trước đó, đã có lúc giá vàng thế giới sụt giảm mạnh xuống 1.484,40 USD/ounce.
Không có thông tin địa chính trị lớn nào, giới đầu tư hiện vẫn đang theo dõi các thông tin về thị trường và kinh tế thế giới.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass mới đây nhận định việc đạt được Brexit có thỏa thuận sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva cũng gọi thỏa thuận Brexit mới là “tin vui” và hỗ trợ kinh tế khu vực thay vì làm giảm 0,5% GDP EU và giảm 3,5-5% GDP của anh nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tuy nhiên, các lãnh đạo tài chính của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) hôm cuối tuần (18/10) vẫn tiếp tục cảnh báo những nguy cơ mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt bất chấp các diễn biến tích cực của thương mại Mỹ-Trung và Brexit.
Trước đó, trong dự báo mới nhất, IMF cho biết nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2019, mức thấp nhất trong một thập niên qua và giảm mạnh so với dự báo của quỹ này hồi tháng 7. Theo ước tính của IMF, tổng thiệt hại về kinh tế do tranh cuộc chiên thương mại có thể lên tới 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương khoảng 0,8% GDP toàn cầu.
Bên cạnh thông tin ảm đạm về kinh tế thế giới, giá vàng cũng đang được hỗ trợ bởi diễn biến leo thang Mỹ - EU khi EU quyết định trả đũa Mỹ ngay sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt thuế lên khu vực kinh tế này liên quan tới tập đoàn sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.
Thời điểm này, giá vàng cần có cú hích đủ mạnh để vượt qua ngưỡng kháng cự kỹ thuật 1.500 USD và sau đó là 1.503 USD.
Ngược lại, nếu không đảo chiều thành công, vàng có thể lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.487 USD/ounce.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận