Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn tại thị trường TP.HCM được niêm yết ở mức 37,45 - 37,65 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng so với chốt phiên giao dịch hôm qua nhưng đã tăng mạnh gần 200 nghìn đồng so với cùng thời điểm của phiên 18/6.
Tại Hà Nội, giá vàng Doji trên hệ thống Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng Doji ở mức 37,43–37,58 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 230 nghìn đồng hai chiều so với thời điểm chốt phiên hôm qua nhưng cũng tăng mạnh 200 nghìn đồng so với đầu phiên này.
Cùng xu hướng, giá vàng Rồng Thăng Long trên hệ thống Bảo Tín Minh Châu cũng tăng vọt 190 nghìn đồng hai chiều lên 37,36-37,81 triệu đồng/lượng….
Giá vàng trong nước tăng mạnh nhờ hiệu ứng từ thị trường thế giới tăng vọt.
Cụ thể, trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới mở cửa phiên giao dịch tại Châu Á ở mức cao 1.346,60 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đã bứt phá mạnh trong phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam khi tăng vọt lên trên ngưỡng 1.345 USD/ounce, mức đỉnh trong phiên lên tới 1.355,20 USD/ounce.
Chốt phiên này, kim loại quý đã đóng cửa ở mức cao nhất trong bốn tháng.
Phiên đêm qua, giá vàng kỳ hạn tháng 8 cũng tăng 7,60 USD lên mức 1.350,50 USD/ounce.
Giá vàng đang được hỗ trợ từ các dự đoán ngày càng tăng về các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn nhằm hỗ trợ hơn cho nền kinh tế.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã có bài phát biểu mang tính chất ôn hòa về chính sách tiền tệ cảu khu vực rằng ECB có thể cắt giảm lãi suất và/hoặc mở rộng chương trình mua trái phiếu (nới lỏng định lượng).
Cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu vào sáng thứ 3 theo giờ địa phương và sẽ kết thúc vào chiều thứ 4 theo giờ địa phương với một tuyên bố được đưa ra trong buộc họp báo.
Hầu hết giới đầu tư đều tin rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp này, nhưng các thành viên FOMC có thể nghiêng về lập trường ôn hòa hơn, trên cơ sở đó có thể đặt ra một mức tăng lãi suất trong vài tháng tới.
Trong tuần này, Ngân hàng Nhật Bản cũng sẽ tổ chức một cuộc họp về chính sách tiền tệ.
Trước hàng loạt thông tin liên quan tới chính sách tiền tệ, các chỉ số chứng khoán châu Âu và châu Á phiên hôm qua đã vững chắc hơn. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng tăng mạnh, một phần bởi dòng tweet của Tổng thống Trump cho biết ông này và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại với không khi tốt đẹp và sẽ gặp nhau tại hội nghị G-20 tại Nhật Bản vào cuối tuần tới.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu 10 năm của chính phủ Đức đã giảm xuống mức thấp kỷ lục -0,299%. Lợi suất một số trái phiếu chính phủ đang giảm trong bối cảnh áp lực lạm phát rất thấp tại các nền kinh tế lớn và làm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.
Bên cạnh đó, căng thẳng chính trị Mỹ - Iran đã tăng lên một mức khi Mỹ gửi thêm 1.000 quân đến khu vực Vịnh Ba Tư để tăng cường lực lượng đặc nhiệm đang tuần tra vùng biển này. Còn chính phủ Iran vào hôm thứ Hai cho biết họ đang sản xuất thêm uranium làm giàu và có thể được sử dụng trong vũ khí hạt nhân.
Diễn biến này đã hậu thuẫn cho giá vàng tăng mạnh với vai trò là hầm trú ẩn an toàn.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô trên thị trường Nymex đã tăng mạnh và tiến tới sát mức 54 USD/thùng. Trong khi đó, chỉ số đô la Mỹ cũng đạt mức cao nhất trong hai tuần.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng giá vẫn có lợi thế trong ngắn hạn.
Mục tiêu đột phá giá ngắn hạn tiếp theo của giá kim loại quý là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng kháng cự kỹ thuật vững chắc ở mức cao nhất trong tháng 6 là 1.362,20 USD/ounce.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận