Giá vàng thế giới đã quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch đêm qua sau khi nỗ lực tăng giá không thành từ phiên trước.
Cụ thể, đêm qua theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã giảm từ ngưỡng 1.470 USD về ngưỡng 1.465 USD và đóng cửa phiên giao dịch ở dưới ngưỡng này.
Giá vàng kỳ hạn tháng 12 cuối phiên đêm qua cũng giảm 8,60 USD xuống mức 1.465,70 USD/ounce.
Lúc 7h sáng nay, dù phục hồi nhẹ song giá vàng thế giới cũng chỉ giao dịch quanh 1.465,30 USD/ounce.
Hiện nay, tuy giá vàng vẫn ở mức cao trong hơn 2 tuần song đã trở lại vùng giá hồi cuối tháng 7 năm nay, tức là đã giảm xuống dưới vùng giá của cả giai đoạn từ hồi tháng 8 tới đầu tháng 11 khi kim loại quý liên tục duy trì trên 1.500 USD.
Giá vàng giảm khi giới đầu tư đang quay lại thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh không có thông tin địa chính trị đột biến, chi phối thị trường vẫn là các thông tin liên quan tới cuộc chiến thương mại và tình hình tại Hong Kong.
Về cuộc chiến thương mại, tiến triển không được êm đẹp gần đây đã dấy lên lo ngại về khả năng ký kết thoả thuận giai đoạn 1. Mới nhất, các thông tin cho biết, các quan chức thương mại Trung Quốc đã liên lạc với các quan chức thương mại Mỹ về một cuộc họp sớm tại Trung Quốc. Phía Mỹ vẫn không có phản hồi nào.
Trả lời phỏng vấn kênh CNBC hôm đầu tuần, bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng thống đốc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhấn mạnh triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung là một trong những yếu tố được tính đến trong dự báo về triển vọng kinh tế Mỹ. Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của Fed công bố ngày 20/11 cũng thể hiện quan điểm rằng Fed có thể sẽ không cần phải cắt giảm lãi suất một lần nữa miễn là nền kinh tế vẫn đi đúng hướng.
Theo bà Brainard, bà muốn thấy việc cắt giảm lãi suất tác động như thế nào đến kinh tế Mỹ trước khi tiếp tục thực hiện các thay đổi trong chính sách tiền tệ, và sẽ phải mất một khoảng thời gian để thấy được hiệu quả của những lần cắt giảm lãi suất trước đó đối với nền kinh tế.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 11/2019 công bố ngày 21/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 khi chỉ đưa ra con số tăng trưởng 2,9% trong năm tới, giảm 0,1% so với dự báo đưa ra hồi tháng Chín. Năm 2021, OECD nhận định mức tăng trưởng sẽ đạt 3%. Viện tài chính UBS (Thụy Sĩ) cũng cho rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ chạm mức thấp nhất 3% quý 4/2019 và quý 1/2020 trước khi phục hồi và giữ đà tăng nhẹ các quý còn lại của năm 2020 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Liên quan tới tình trạng bất ổn dân sự ở Hồng Kông, tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng sự kiện này cũng không đủ sức đẩy vàng tăng giá.
Trên các thị trường khác, chỉ số đô la Mỹ tăng nhẹ, giá dầu thô trên sàn Nymex cũng tăng nhẹ lên 58,25 USD/thùng.
Về mặt kỹ thuật, xu hướng giảm giá vẫn đang chiếm lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn 2,5 tháng.
Mục tiêu giảm giá ngắn hạn tiếp theo đang đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mức 1.425,00 USD/ounce.
Trong nước, sau hai phiên tăng mạnh, các thương hiệu vàng trong nước đã quay đầu giảm mạnh.
Cụ thể, lúc 8h sáng nay Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM 41,33-41,64 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng chiều mua vào và 60 nghìn đồng chiều bán ra so với cùng thời điểm phiên trước.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng tăng mạnh 180 nghìn đồng hai chiều lên 41,36-41,56 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng hai chiều.
Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết tại 41,33-41,78 triệu đồng, giảm mạnh 80 nghìn đồng hai chiều…
Trong phiên giao dịch sáng nay, các thương hiệu vàng trong nước sẽ tiếp tục giảm theo chiều thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận