Giá vàng hôm nay 28/2 là bao nhiêu? Giá vàng Kitco, Giá vàng SJC, Doji, Rồng Vàng Thăng Long, NPQ, 9999, cập nhật mới và chính xác nhất dưới đây:
Giá vàng trong nước
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sáng nay, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh.
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng mạnh 350 nghìn đồng chiều mua vào và 50 nghìn đồng chiều bán ra lên 64,90-65,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội tăng mạnh hơn với 800 nghìn đồng chiều mua vào và 300 nghìn đồng chiều bán ra lên 64,90-65,90 triệu đồng/lượng.
Vàng Doji hiện là thương hiệu đắt nhất thị trường. Cùng lúc, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng tăng mạnh 350 nghìn đồng chiều mua vào và 300 nghìn đồng chiều bán ra lên 54,61-55,46 triệu đồng/lượng.
Cùng xu hướng, giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng thêm 200 nghìn đồng hai chiều lên 54,20-55,20 triệu đồng/lượng mua vào bán ra…
Trước giờ mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng trong nước được niêm yết ở mức cao.
Vàng SJC vẫn trên 65,7 triệu đồng. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 64,55-65,75 triệu đồng/lượng; Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội 64,10-65,60 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, hai thương hiệu còn lại vẫn bám trụ mốc 55 triệu: Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 54,16-55,16 triệu đồng/lượng; Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý 54,00-55,00 triệu đồng/lượng mua vào bán ra…
Tuần trước, thị trường trong nước đã trải qua các phiên giao dịch sôi động và phá vỡ kỷ lục cũ để thiết lập kỷ lục cao mới tại 67,5 triệu đồng (phiên giao dịch 24/2).
Biên độ dao động tính theo phiên tuần qua cũng ghi nhận lỷ lục khi lên tới 4 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng kéo rộng ra gần 13 triệu đồng mỗi lượng.
Sau phiên “sốt” giá này, giá vàng trong nước đã quay đầu giảm theo đà của thị trường thế giới khi chiến sự tại Ukraine có biến chuyển mới.
Dù có hai phiên điều chỉnh song sau đó thương hiệu vàng quốc gia cũng phục hồi mạnh phiên cuối tuần.
Tính chung cả tuần, vàng SJC tăng mạnh 2,5 triệu đồng, vàng Doji tăng 2,45 triệu đồng, vàng Rồng Thăng Long tang 610 nghìn đồng và vàng NPQ cũng chỉ tăng 500 nghìn đồng mỗi lượng.
Giá vàng thế giới
Sáng đầu tuần, giá vàng thế giới phục hồi mạnh lên trên 1.900 USD.
Lúc 9h sáng nay, giá vàng thế giới tăng mạnh 22 USD (1,16%) lên 1.912,00 USD/ounce.
Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn đã thúc đẩy giá vàng lên đến đỉnh điểm, và tâm lý đối với kim loại quý trong thời gian tới đã giảm nhẹ.
Adam Button, chiến lược gia trưởng về tiền tệ tại Forexlive.com cho biết, vàng đã biến động gần 100 USD phiên thứ Năm và khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu giá vàng đã được đẩy lên mức cao nhất trong ngày là 1.976 USD/ounce sau khi tăng gần 3%. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 9/2020.
Dù không thể giữ được thành quả trên song theo Button, khi ở thời khắc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, vàng đã cho thấy nó là tài sản trú ẩn an toàn duy nhất mà các nhà đầu tư muốn sở hữu.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 60 phiên gần nhất
Một số nhà phân tích lưu ý rằng, bất chấp việc điều chỉnh trong phiên Năm, thị trường vẫn trong xu hướng tăng mạnh.
David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital, lưu ý rằng vàng đã tìm thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ trước khi làn sóng nhu cầu trú ẩn an toàn bắt đầu.
Nhà phân tích này cũng cho rằng, bất kỳ sự bất ổn mới nào trên thị trường hoặc căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ giá.
Một số nhà phân tích cũng vẫn lạc quan về vàng vì lạm phát vẫn là mối đe dọa kinh tế đáng kể hơn so với xung đột ở Đông Âu.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lại cho rằng sự đảo chiều của vàng sẽ khiến một số nhà đầu tư và thương nhân thất vọng và có thể ảnh hưởng đến giá vàng trong ngắn hạn.
Marc Chandler, giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nhận định tuần tới vàng có thể giảm xuống dưới 1.877 USD và có thể dẫn đến việc kiểm tra mốc 1.850 USD/ounce.
Chandler cũng nói thêm rằng, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, đặc biệt là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 được công bố vào thứ Sáu với dự đoán tích cực có thể ảnh hưởng đến giá vàng.
Trước đó, kết quả khảo sát diễn biến giá vàng thế giới tuần này của Kitco News cho thấy, tâm lý trường đã không còn lạc quan cao như tuần trước.
Cụ thể, tỷ lệ chuyên gia nhận định giá vàng đi lên giảm mạnh từ 72% về 40%; Tỷ lệ chuyên gia dự báo giá vàng giảm đã tăng mạnh từ 22% lên 47%. Còn lại, tỷ lệ chuyên gia giữ quan điểm trung lập cũng tăng từ 5% lên 13%.
Ngược lại, đối với kết quả khảo sát trực tuyến trên thị trường, tỷ lệ nhà đầu tư ủng hộ giá vàng tăng tiếp tục nhích từ 65% lên 71%; Tỷ lệ dự đoán giá vàng giảm là 19%; Còn lại tỷ lệ cho rằng giá vàng đi ngang là 10%.
Kết thúc phiên cuối tuần giá vàng thế giới giảm còn 1.890,00 USD/ounce. Cả tuần qua, giá vàng thế giới giảm nhẹ 0,6%. Đây là tuần giảm giá đầu tiên sau ba tuần tăng liên tiếp trước đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận