Vàng thế giới tăng mạnh, giá trong nước đu đỉnh
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch trên mức 1.916 USD/ounce. Đây là mức cao của kim loại quý trong hơn một tháng qua, kéo theo giá vàng trong nước tăng theo.
Giá kim loại quý được đẩy lên khi Israel tăng cường cuộc chiến với Hamas. Với sự hỗn loạn ngày càng tăng ở Trung Đông và chiến sự giữa Nga với Ukraine chưa dứt, các đơn vị phân tích cho rằng nhà đầu tư cần đảm bảo họ có được sự bảo vệ trong giai đoạn này.
Khảo sát hàng tuần của Kitco News cho thấy cả nhà phân tích và nhà đầu tư bán lẻ Phố Wall đều dự đoán giá vàng sẽ còn tăng tiếp trong tuần tới. Trong đó, nhóm nêu quan điểm tích cực chiếm khoảng ba phần tư, tỷ lệ cao hơn hẳn các khảo sát trước đây.
Trước đà tăng phi mã của vàng, Edward Moya - nhà phân tích của Oanda - một công ty giao dịch ngoại hối của Mỹ - nói: "Nhà đầu tư đang đổ xô mua tài sản trú ẩn khi rủi ro căng thẳng tại Trung Đông leo thang. Nếu tình hình địa chính trị càng nghiêm trọng, khả năng cao là giá vàng có thể lên 2.000 USD năm nay".
Chia sẻ với Báo Giao thông, đại diện một công ty kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết: "Chưa bao giờ chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC lại lớn như hiện nay, ghi nhận tuần qua tăng 1,4 triệu đồng/lượng, gấp đôi chênh lệch ở thời điểm bình thường".
Trước đây, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8, giá vàng trong nước đi ngang dù thế giới biến động và có lúc lên gần 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, 3 tháng gần đây, giá vàng miếng trong xu hướng đi lên và đã tăng gần 4 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 4,7%.
Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết: "Cũng bất ngờ vì giá vàng ngày cuối tuần. Một phần do giá vàng thế giới tăng mạnh vào tuần trước. Giá vàng trong nước có sự điều chỉnh trễ nên tăng muộn hơn. Người dân đổ xô đi mua vàng nên giá trong nước tiếp tục tăng theo".
Mở cửa phiên sáng nay 16/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 69,85-70,55 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào. Vàng Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,75-70,65 triệu đồng/lượng, cũng tăng 150 nghìn đồng/lượng.
Còn Vàng PNJ niêm yết giá vàng ở mức 69,85-70,55 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu 69,87-70,52 triệu đồng/lượng.
Nhà đầu tư tranh thủ chốt lời, người vay vàng hoang mang
Trước đà tăng mạnh của giá vàng trong một tuần giao dịch gần đây, những người đang nắm giữ vàng hí hửng mừng thầm khi khoản đầu tư của mình ghi nhận khoản lãi đáng kể.
Anh Nguyễn Minh Thành - một nhà đầu tư tại Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết ngoài chia tiền vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, BĐS, anh cũng xuống tiền mua 10 lượng vàng hồi đầu tháng 2 khi mức giá giao dịch quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng. Đến nay nhìn giá vàng vượt 70 triệu đồng/lượng, khoản đầu tư vào vàng của anh hiện đang ghi nhận khoản lãi hơn 3 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, chị Thanh Tâm (một công chức văn phòng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) biết khi lãi suất tiết kiệm giảm mạnh từ đầu tháng 6, chị đã quyết định rút hơn 1 tỷ đồng để mua gần 20 lượng vàng với mức giá 67,1 triệu đồng/lượng hồi cuối tháng 7. Chỉ sau hơn 2 tháng khoản đầu tư của chị đang ghi nhận khoản lãi gần 6%, nhỉnh hơn lãi suất tiết kiệm đang được các ngân hàng niêm yết hiện nay.
Trong khi những người nắm giữ vàng đang ghi nhận khoản lãi nhẹ và canh chốt lời thì những người vay vàng mua nhà, kinh doanh đang hoang mang bởi đà tăng mạnh của giá vàng trong những ngày gần đây.
Anh Nguyễn Minh Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2019, anh vay 10 lượng vàng để lấy vốn kinh doanh. Thời điểm đó, giá vàng ở ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, tương đương 400 triệu đồng.
Theo anh Tuệ, sau khi vay, giá vàng liên tục tăng mạnh. 10 cây vàng lúc vay bán được 400 triệu đồng, nhưng giờ mua vàng để trả nợ cũng mất tầm 700 triệu đồng, tính ra chênh 300 triệu đồng.
Chứng kiến những biến động của thị trường vàng nhiều năm qua, chủ một tiệm vàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết trước đây, việc giá vàng chạm đỉnh 74 triệu đồng/lượng vào tháng 3/2022 đã khiến tất cả những ai vay vàng của người thân để làm ăn đều méo mặt.
"Giờ đây, khi giá vàng liên tiếp tăng cao, một lần nữa tiến gần mức đỉnh lịch sử về giá chỉ trong thời gian ngắn thì bài học về việc vay vàng để làm ăn, đầu tư… vẫn còn nguyên giá trị về rủi ro", chủ tiệm vàng này chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế khuyến nghị gì?
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia Hiệp Hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng người mua vàng trong nước còn chịu rủi ro kép là chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, lên đến gần 15 triệu đồng/lượng và khoảng cách giữa giá mua - bán. Do vậy người mua vàng nên cân nhắc có thể chịu được rủi ro không.
Lý giải vấn đề này ông Hùng phân tích, tháng 8/2020 giá vàng thế giới tăng lên đến 2.069,4 USD/ounce khi đó giá vàng miếng SJC mới chạm ngưỡng 62,2 triệu đồng/lượng, trong khi hiện nay giá vàng thế giới mới chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce nhưng giá vàng miếng SJC lên mức 71 triệu đồng/lượng.
Nhìn nhận về kênh đầu tư vàng, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết khi thị trường vàng bình ổn trong nhiều năm thì câu chuyện vay bằng vàng không có gì đáng nói. Nhưng khi giá biến động như 2 năm trở lại đây thì vay bằng vàng cũng không khác gì vay nặng lãi, thậm chí như vay tín dụng đen.
"Vàng là kênh đầu tư ngắn hạn, nên lướt nhanh vì thời điểm giá vàng đạt đỉnh chỉ mang tính nhất thời. Diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều biến động nên xu hướng giá vàng vẫn có chiều hướng khó lường", ông Lạng cho hay.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định giá vàng tăng cao trong thời gian gần đây là kết quả của các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Ở Việt Nam, ông Thịnh nhận xét rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh như thời gian gần đây. Vì vậy những nhà đầu tư đang ôm vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận hấp dẫn.
"Nhà đầu tư không nên chờ giá lên đỉnh mới chốt lời. Bởi lẽ, giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là đỉnh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời", ông Thịnh đưa ra lời khuyên.
Về việc có nên mua vàng để "lướt sóng" kiếm lời lúc này không, ông Thịnh cho rằng khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán hiện nay là hơn 1 triệu đồng/lượng, đây là mức chênh lệch khá lớn, nguy hiểm cho người mua vàng.
"Chênh lệch giá mua vào - bán ra từ 1 triệu đồng trở lên đã là rất rủi ro rồi, còn từ 3 triệu đồng trở lên thì rủi ro là quá cao", ông Thịnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận