Giá vàng thế giới đạt mức giao dịch cao kỷ lục ở các phiên gần đây, trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ của Mỹ tiếp tục thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng thỏi.
Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, giá vàng chững lại do xu hướng bán tháo chốt lời. Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 1% xuống 2.643,88 đô la/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,9% xuống 2.668,1 đô la/ounce.
Trước đó, thị trường vàng đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.685,42 đô la/ounce vào thứ Năm, sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Với mức giá trên, vàng đã tăng giá khoảng 14% trong quý III, mức tăng mạnh nhất kể từ quý I/2016. Còn tính từ đầu năm tới nay, giá vàng tăng 29% - mức tăng cao nhất trong vòng 14 năm.
Và xu hướng tăng giá của kim loại màu vàng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo chuyên gia Soni Kumari của ngân hàng ANZ, các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất của Fed kể từ nay cho đến cuối năm 2024. Chính sách tiền tệ của Fed là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng.
Sau phiên đầu tuần có xu hướng giảm, giá vàng thế giới quay đầu đi lên và liên tục xác lập các kỷ lục mới, trong bối cảnh xung đột ở Trung Đông và Ukraine tiếp tục căng thẳng. Cũng ở quãng thời gian này, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, Austan Goolsbee, đã ám chỉ khả năng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Trong bối cảnh lãi suất của Mỹ tiếp tục được cắt giảm thêm sau khi Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tuần trước, một số ngân hàng và chuyên gia dự báo giá vàng có thể tăng lên tới 3.000 đô la/ounce.
Ông Phillip Streible, Giám đốc thị trường tại Blue Line Futures, nhận định về những yếu tố (nếu xảy ra) có thể đẩy giá vàng lên cao, đó là: cuộc đàm phán hòa bình ở Trung Đông thất bại; thị trường lao động suy yếu; Fed hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và Trung Quốc tăng cường các biện pháp kích thích nền kinh tế.
Chiến lược gia Bob Haberkorn tại công ty môi giới RJO Futures nhận định, nhu cầu tìm "nơi trú ẩn an toàn", do lo ngại về tình hình ở Trung Đông là nhân tố hỗ trợ đà tăng của giá vàng. Nếu tình hình căng thẳng leo thang, giá kim loại quý này có thể tiếp tục lập kỷ lục mới.
Tương tự như vậy, Trưởng phòng Chiến lược Hàng hóa tại TD Securities, Bart Melek cho biết, vàng vẫn ở vị thế thuận lợi để tăng giá khi Fed hướng đến mục tiêu hạ lãi suất để hỗ trợ thị trường lao động đang suy yếu, bất chấp lạm phát vẫn ở mức cao.
Diễn biến giá vàng trên thế giới tác động trực tiếp khiến giá vàng trong nước tăng cao trong thời gian gần đây. Giá vàng miếng không tăng quá cao do Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách chỉ bán vàng cho 4 ngân hàng TMCPNN và Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), nhưng giá vàng nhẫn tròn trơn trên thị trường hiện đã tăng lên mốc 83 triệu đồng/lượng, gần bằng vàng miếng.
Theo xu hướng hiện nay, giá vàng nhẫn trong nước dự kiến sẽ vượt giá vàng miếng.
(Tổng hợp theo CNBC, Bloomberg, BusinessTime...)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận