Giảm đến 1 triệu đồng
Tại thị trường trong nước, trước thềm cuộc đấu thầu vàng miếng sau phiên bị hoãn hôm qua, giá vàng đồng loạt giảm.
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 80,3 - 82,8 triệu đồng/lượng, giảm 700.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên hôm trước. Đến 9h, giá vàng được điều chỉnh giảm tiếp 500.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 79,8 - 82,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng Doji HN niêm yết giá vàng ở mức 80 - 82,5 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên gần nhất. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng ở mức 74,1 – 75,8 triệu đồng/lượng, giảm 550.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên liền trước.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 80,7 - 82,9 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn niêm yết ở mức 73,5 - 74,2 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC đang niêm yết vàng miếng SJC với giá 80,1 - 82,5 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 900.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 74,52 – 76,22 triệu đồng/lượng (mua – bán), chưa đổi so với chốt phiên trước đó.
Giá vàng thế giới giảm mạnh
Sáng nay ngày 23/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.327 USD/ounce, giảm mạnh tới 52 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Như vậy chỉ sau 1 ngày, giá vàng thế giới đã mất tới 2%, về vùng giá thấp nhất trong vòng hơn 10 ngày qua.
Những lo ngại về xung đột lan rộng ở Trung Đông giảm bớt đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư, làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng miếng. Bên cạnh đó, làn sóng bán chốt lời khi giá vàng tăng cao kỷ lục cũng là nguyên nhân khiến vàng lao dốc trong phiên hôm nay.
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng giá vàng sẽ giảm thêm khi thị trường chuyển sự chú ý trở lại sang chính sách tiền tệ của Mỹ và kỳ vọng rằng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường nhận thấy 16% khả năng Fed sẽ bắt đầu xoay trục chính sách trong tháng 6 và ít hơn 50% trong tháng 7.
Mặc dù vàng có khả năng giảm sâu hơn, nhưng các nhà phân tích cho rằng, các yếu tố thúc đẩy đà tăng đột phá trong tháng 3 vẫn được giữ nguyên.
Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn để phòng ngừa mức nợ gia tăng. Đồng thời, các nhà đầu tư châu Á vẫn thống trị thị trường khi tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình.
Chiến lược gia kim loại Nicky Shiels của MKS PAMP cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng, mặc dù vàng có khả năng giảm giá trong thời gian tới nhưng bà vẫn duy trì mục tiêu 2.500 USD/ounce.
Đấu thầu, vàng có giảm mạnh?
Theo kế hoạch, 10h sáng 22/4, NHNN sẽ đấu thầu gần 17.000 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Hiện, 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia, khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do NHNN tổ chức sản xuất.
Tỷ lệ đặt cọc cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu là 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng, giảm từ mốc 81,8 triệu đồng/lượng trong thông báo trước đó.
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận, việc đấu thầu vàng miếng là giải pháp phù hợp trong bối cảnh cần tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường sau nhiều năm vàng SJC “một mình một chợ”, không liên thông với thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng. Bởi, lượng vàng được NHNN bán cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thông qua đấu thầu sẽ giúp tăng nguồn cung vàng vào thị trường, góp phần làm giảm nhiệt “cơn sốt giá” hiện nay.
Theo ông Hiếu, thực tế hiện nay nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên cao. Việc đấu thầu cũng cần phải có một lượng vàng rất lớn để giữ sự bình ổn. "Nhưng về lâu dài, cần phải xem xét việc sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để phù hợp với thực tế", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Quốc Doanh cũng dự đoán sau đấu thầu, giá vàng SJC nếu có giảm cũng chỉ về mốc 82 triệu đồng/lượng, không thể thấp hơn giá tham chiếu mà NHNN đưa ra đấu thầu.
“Trừ trường hợp giá vàng thế giới sụt mạnh một vài trăm USD thì vàng SJC sẽ có giá dưới 80 triệu đồng/lượng”, ông Doanh phân tích. Còn với vàng nhẫn 9999, theo nhận định của ông Doanh, khi vàng SJC được tăng cung sẽ tác động tới giá vàng nhẫn.
Theo ông Doanh, giá vàng trong nước chắc chắn vẫn biến động theo giá thế giới nhưng ngay sau khi NHNN bán đấu thầu, khoảng cách giữa hai thị trường sẽ được co lại. Đây cũng chính là mục tiêu của việc đấu thầu vàng.
Ông Doanh phân tích thêm, trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng rất cao, giá vàng trong nước bắt buộc phải biến động theo. Trong nền kinh tế hội nhập, giá vàng trong nước phải liên thông với giá thế giới. Dù vậy, hiện nay giá vàng trong nước đang chênh lệch quá xa so với giá vàng thế giới, có lúc cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng.P
Về chính sách quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, NHNN đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24, đã lấy ý kiến các bộ, ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương nên sửa đổi Nghị định 24.
Theo đó, Nghị định 24 đã có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa Nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt là tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận